Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tin Times of India, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ có cuộc tập trận chung mang tên “tay trong tay” tại Đại Quân khu Thành đô diễn ra từ ngày 4-14/11 sau gần 5 năm gián đoạn vì những căng thẳng tranh chấp lãnh thổ.
Quyết định này đạt được trong cuộc gặp gần đây giữa các quan chức quân sự hai nước ở New Delhi và cũng trong bối cảnh truyền thông Trung Quốc vẫn đang không ngớt lời chế giễu lực lượng Hải quân Ấn Độ. Theo nhiều nguồn tin, trong thời gian tập trận hai bên sẽ tổ chức các khoa mục chống các phần tử nổi dậy và chống khủng bố.
Gần đây, hai nước còn quyết định thông qua việc tổ chức các cuộc tập trận chung của hải quân và không quân để tăng cường giao lưu hợp tác quân sự. Hai nước còn có kế hoạch tăng cường giao lưu trong lĩnh vực bồi dưỡng sĩ quan quân đội.
|
Ấn Độ, Trung Quốc sẽ có cuộc tập trận vào đầu tháng 11 sau 5 năm gián đoạn.
|
Tờ Times of India cho biết, sau gần 5 năm hai nước Trung Quốc và Ấn Độ mới khởi động lại cuộc tập trận quân sự chung mặc dù quan hệ căng thẳng khu vực tranh chấp biên giới Trung - Ấn vẫn còn, nhưng quân đội hai nước vẫn sẽ tổ chức cuộc tập trận vào tháng 11. Cuộc tập trận hữu nghị lần này sẽ diễn ra tại Đại Quân khu Thành Đô. Theo quan chức cấp cao Bộ quốc phòng Ấn Độ thì nước này sẽ gửi lực lượng bộ binh Sikh tham gia tập trận.
Năm 2010, Trung Quốc từ chối cấp thị thực cho Tư lệnh quân khu phía Bắc Ấn Độ Trung tướng B. S. Jaswal, mối quan hệ dần cải thiện giữa hai nước lớn châu Á này vì vậy cũng phải dừng lại. Đến năm 2012 thì hai nước quyết định nối lại cuộc tập trận này. Kể từ đó hai nước đều cố gắng tăng cường ngoại giao để bình thường hóa mối quan hệ song phương.
Trước đó, sau nhiều cuộc đối thoại về vấn đề tranh chấp một số khu vực tại biên giới Himalaya, căng thẳng leo thang trong mối quan hệ Trung-Ấn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí, thời gian gần đây mối quan hệ song phương này còn tiếp tục được “đốt nóng” sau những thông tin về việc Quân đội Trung Quốc liên tục đột nhập vào lãnh thổ Ấn Độ.
Tờ Press Trust dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay, một nhóm quân của Trung Quốc đã xâm nhập vào bang Arunachal Pradesh (Ấn Độ) vào ngày 11/8 và mãi đến 15/8 mới chịu rời đi.
|
Tình hình tranh chấp biên giới Ấn, Trung vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Tuần qua, lần đầu tiên Ấn Độ điều máy bay vận tải C-130 hạ cánh xuống sân bay nằm cách không xa khu vực tranh chấp 2 nước.
|
Đáp lại những tố cáo của truyền thông Ấn Độ, truyền thông Trung Quốc cũng không ngớt lời chê bai sức mạnh của Hải quân Ấn sau sự ra mắt tàu sân bay nội địa đầu tiên - INS Vikrant và vụ nổ tàu ngầm lớp Kilo giết chết 18 thủy thủ. Thậm chí, tờ Thời báo Hoàn cầu còn công khai ví von lực lượng Hải quân Ấn Độ chỉ như “hổ giấy”.
Tuy nhiên, sau những chỉ trích, chế giễu hay sự thất bại của các cuộc đàm phán về biên giới, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn hợp tác tập trận chung “tay trong tay” và sắp tới rất có thể ký kết một bản hợp đồng quan trọng trong lĩnh vực vận tải đường bộ khi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tới thăm Bắc Kinh vào tháng 10. Điều này khiến giới quan sát cảm thấy khó hiểu về mối quan hệ thực sự của hai quốc gia này sau vẻ ngoài nóng - lạnh bất thường kia.
Nhưng theo Diplomat, những hành vi táo tợn của Trung Quốc tại khu vực tiếp giáp với Ấn Độ bỗng nổi lên trong mấy tháng gần đây rất có thể là một động thái “đánh lạc hướng” New Dehli xao nhãng tham vọng mở rộng sự hiện diện của hải quân Ấn Độ trên các vùng biển chiến lược.