Thông tin này mới được Giám đốc điều hành Tập đoàn Động cơ thống nhất Nga Valdislav Masalov cho biết.
“Ngoài tùy chọn động cơ D-136 thì động cơ PD-14 cũng có thể sử dụng để làm nền tảng phát triển các động cơ trực thăng hạng nặng. Chúng có thể được xem xét để thay thế loại động cơ D-136”, ông Masalov giải thích và được tờ Sputniknews ngày 14/7 dẫn lại.
Ban đầu D-136 được cho là loại động cơ đáng để xem xét nhất cho dự án trực thăng vận tải của Nga và Trung Quốc. Đây vốn là một trong những động cơ tuốc bin trục mạnh nhất do công ty Motor Sich của Ukraine sản xuất.
Nhưng vào giữa tháng 5/2015, người đứng cơ quan kiểm soát xuất khẩu Ukraine cho biết Motor Sich sẽ không tham gia dự án của Nga và Trung Quốc nữa. Vì thế Nga phải tính đến phương án thay thế D-136.
|
Trực thăng Mi-26 (ngoài cùng) và 2 trực thăng Mi-8/17 của Nga.
|
Vì thế, động cơ PD-14 thế hệ mới do Cục thiết kế động cơ Aviadvigatel Nga phát triển để dùng cho máy bay phản lực hai động cơ cỡ nhỏ Irkut MC-21 sớm lọt vào mắt xanh các nhà phát triển. Loại động cơ này có ưu điểm chính là hoạt động với độ tin cậy cao và khả năng tiêu thụ nhiên liệu thấp.
Vào tháng 5/2015, Công ty Trực thăng Nga và Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc đã ký một thỏa thuận khung để cùng phát triển một loại trực thăng vận tải hạng nặng tiên tiên có biệt danh là Advanced Heavy Lift (AHL).
Loại trực thăng này được cho sẽ thực hiện các vai trò tương tự như trực thăng vận tải quân sự hạng nặng Mil Mi-26. Tuy nhiên AHL sẽ nhẹ hơn Mi-26 và có thể mang một lượng hàng hóa gần 10 tấn trong khoang và có thể tăng lên đến 15 tấn khi mở rộng ra các giá treo ngoài. Dự kiến thiết kế cuối cùng về loại trực thăng này sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2015.
Theo các chuyên gia dự đoán, Trung Quốc sẽ đặt mua hơn 200 trực thăng AHL vào năm 2040.