Israel tiết lộ phiên bản mới tên lửa SPYDER Việt Nam mua

Google News

(Kiến Thức) -Tập đoàn Rafael đã giới thiệu phiên bản tên lửa phòng không SPYDER Việt Nam từng mua, mẫu cải tiến có khả năng cơ động cao trên nhiều địa hình khác nhau.

Trong khuôn khổ triển lãm quốc phòng Singapore Air Show 2016, tập đoàn Rafael, Israel đã giới thiệu phiên bản cơ động cao của hệ thống tên lửa phòng không SPYDER. Phiên bản mới được thiết kế dựa trên khái niệm phòng không phản ứng nhanh, nhỏ gọn, cơ động cao có thể triển khai hoạt động trên nhiều địa hình khác nhau.

Đáng lưu ý, Việt Nam từng là khách hàng của phiên bản ban đầu hệ thống phòng không SPYDER.

Phiên bản mới có tên SPYDER (HMS) GBAD được thiết kế dựa trên hệ thống phòng không tầm thấp/tầm trung cơ động SPYDER. SPYDER (HMS) được dự kiến hoạt động như một đơn vị phóng tên lửa lấy mạng làm trung tâm.

Cấu hình hệ thống tên lửa SPYDER (HMS) GBAD gồm: giá phóng 4 đạn tên lửa, cảm biến quang điện tử, hệ thống điều khiển và chỉ huy, hệ thống thông tin liên lạc, tất cả được tích hợp lên xe bánh xích chuyên dụng với module chỉ huy phía trước và module phóng phía sau.

Israel tiet lo phien ban moi ten lua SPYDER Viet Nam mua
 Bản đồ họa thiết kế của phiên bản hệ thống phòng không cơ động cao Spyder HMS.

Module chỉ huy phía trước được trang bị một trạm vũ khí điều khiển từ xa để bảo vệ trước các cuộc tập kích của bộ binh đối phương nếu có.

Mỗi hệ thống có thể hoạt động như một đơn vị phóng độc lập với hệ thống chỉ huy riêng hoặc một phần của khẩu đội SPYDER (HMS) GBAD với hệ thống chỉ huy chung.

Ông Yossi Horowitz, Giám đốc tiếp thị của  Rafael nói với IHS Jane's rằng: "Khái niệm HMS GBAD cho phép người sử dụng tìm kiếm và di chuyển, tham gia tấn công cả dừng và khi cơ động, sau đó thoát ly an toàn".

“Sự kết hợp của tên lửa I-Derby ER cho phép chúng tôi tăng tầm bắn cho hệ thống tên lửa SPYDER lên 30 km ( so với  20 km của tên lửa Python-5 và I-Derby), với độ cao không được tiết lộ, và tấn công các mục tiêu bay chậm cũng như trực thăng bay lơ lững”, ông này cho biết thêm.

Tên lửa I-Derby ER sử dụng đầu dò bằng sóng radio thế hệ mới theo công nghệ SDR cho phép tự điều chỉnh tốc độ giữa tên lửa và mục tiêu để tấn công chính xác hơn. Đầu do theo công nghệ SDR có nguồn gốc từ tên lửa đánh chặn Tamir của hệ thống phòng thủ Iron Dome.

Một ưu điểm vượt trội của công nghệ SDR là có thể lập trình lại để phù hợp với các nâng cấp phần mềm về sau, cho phép tên lửa đáp ứng được các mối đe dọa liên tục thay đổi trong vòng đời 20-30 năm của tên lửa.

Quốc Minh

Bình luận(0)