Ấn Độ: tên lửa diệt hạm BrahMos vẫn vô đối

Google News

(Kiến Thức) - Quan chức Ấn Độ tuyên bố, hiện vẫn chưa có bất kỳ hệ thống phòng không nào đánh chặn được tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos.

Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga dẫn lời Sudhir Mishra – Tổng giám đốc công ty liên doanh BrahMos cho biết, trên thế giới hiện nay vẫn chưa có bất kỳ hệ thống phòng không nào có thể đánh chặn được mẫu tên lửa hành trình siêu âm BrahMos do Nga và Ấn Độ phát triển.
Ông này còn cho biết thêm: “ Sức mạnh của tên lửa hành trình BrahMos nằm ở khả năng bay với tốc độ siêu âm của nó. Sau khi được phóng đi BrahMos sẽ bay tới mục tiêu với tốc độ gần gấp 3 lần vận tốc âm thanh và miễn nhiễm hoàn toàn với các hệ thống phòng không đối phương, điều duy nhất mà kẻ thù có thể làm được là bỏ chạy”, Mishra nhấn mạnh.
Tổ hợp tên lửa hành trình siêu âm BrahMos được đặt trên bệ phóng di động.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến BrahMos trở thành một trong những vũ khí chiến lược của Quân đội Ấn Độ trong tương lai gần, và trên thế giới hiện nay vẫn chưa có bất kỳ tên lửa hành trình nào có khả năng tương tự như BrahMos.
Bên cạnh đó Mishra còn cho rằng, nếu thậm chí các quốc gia khác đã sở hữu công nghệ tương tự như của BrahMos thì Ấn Độ vẫn sẽ là nước đi đầu trong công nghệ tên lửa hành trình siêu âm.
Trưởng bộ phận phát triển của công ty BrahMos Aerospace cũng cho biết thêm rằng, hiện nay đã có một số quốc gia quan tâm tới mẫu tên lửa này. Điều này sẽ mở ra tiềm năng xuất khẩu rất lớn cho BrahMos, sau khi nó đã được trang bị toàn diện cho Quân đội Ấn Độ.
Nếu được phép xuất khẩu thì BrahMos sẽ được bán cho các quốc gia có mối quan hệ thân thiết và không ảnh hưởng đến lợi ích của Ấn Độ và cả của Nga. Hiện tại chính phủ Ấn Độ đang xem xét khả năng xuất khẩu BrahMos cho một số khách hàng tiềm năng, và ngay sau được phê duyệt thì quá trình chuyển giao các đơn hàng đầu tiên sẽ được thực hiện.
 Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos có nhiều biến thể khác nhau cho 3 Quân chủng Hải, Lục, Không quân của Quân đội Ấn Độ.
Liên doanh BrahMos Aerospace giữa Nga và Ấn Độ được thành lập vào năm 1998 bởi cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và NPO Mashinostroeyenia. Dự án này được đặt theo tên của hai con sông của hai quốc gia là sông Brahmaputra ở Ấn Độ và Moskva của Nga.
Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos có tầm bắn 290 km và có thể mang các đầu đạn thông thường có trọng lượng lên đến 300 kg. Nó có thực hiện hành trình tấn công các mục tiêu khi đang bay ở độ 10m và với tốc độ di chuyển gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh. Nhanh hơn nhiều so với mẫu tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ chế tạo khoảng 3 lần.
Trà Khánh

Bình luận(0)