Xuyên đêm làm 10.000 chiếc mặt nạ giấy bồi bán Tết Trung Thu

Google News

Cận Tết Trung Thu, để hoàn thiện được 10.000 chiếc mặt nạ giấy bồi, ông Đông và người làm trong cơ sở sản xuất của mình gần như phải thức xuyên đêm để sơn vẽ cho kịp.

Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Trung Thu (Rằm tháng 8 Âm lịch), tại làng nghề thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá (Yên Mỹ, Hưng Yên) - một trong số ít làng còn giữ được nghề làm đồ chơi truyền thống, những người thợ thủ công đang tất bật sản xuất các loại đồ chơi để phục vụ thị trường dịp Tết Trung thu này, đặc biệt là mặt hàng mặt nạ giấy bồi chú Tễu, Thị Nở, sư tử,...

Dẫn chúng tôi vào khoảng sân rộng phía trước nhà xếp đầy những chiếc mặt nạ, ông Vũ Huy Đông - chủ cơ sở sản xuất mặt nạ giấy bồi thôn Ông Hảo - nói: “Tầm tháng 6, tháng 7 âm lịch là vào mùa cao điểm, cả làng rục rịch làm hàng để đáp ứng nhu cầu của người chơi từ sớm”.

Xuyen dem lam 10.000 chiec mat na giay boi ban Tet Trung Thu

Dịp Tết Trung Thu, làng nghề thôn Ông Hảo (Hưng Yên) tất bật sản xuất đồ chơi truyền thống, nổi tiếng nhất là mặt nạ giấy bồi 

Ông Đông cho biết, làng nghề thôn Ông Hảo vốn nổi tiếng làm đồ chơi trung thu truyền thống với các sản phẩm chủ yếu là trống, mặt nạ giấy bồi thằng Bờm, ông Địa, thỏ, lợn, trâu, đầu lân, đầu sư tử,... Đến nay, làng còn trên dưới 10 hộ tiếp nối nghề cha ông để lại. Trong đó, nhà ông là một trong những hộ chuyên sản xuất mặt nạ giấy bồi lớn tại đây.

Gắn bó với nghề truyền thống hơn 30 năm, ông Đông kể, khi còn làm ruộng, nghề làm đồ chơi trung thu chỉ là phụ, làm thời vụ vài ba tháng trong năm. Khoảng chục năm trở lại đây, diện tích ruộng thu hẹp dần, phần lớn hộ dân chuyển sang làm nghề khác có thu nhập cao hơn.

“Vốn yêu nghề, mong muốn lưu giữ lại nét đẹp văn hóa truyền thống cho con trẻ nên tôi quyết gắn bó với những món đồ chơi dân dã, quen thuộc này”, ông tâm sự. Đến nay, làm mặt nạ giấy bồi trở thành nguồn thu nhập chính, giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định hơn.

Theo ông Đông, những chiếc mặt nạ làng ông Hảo nổi tiếng bởi mang nét đặc trưng riêng, thân thuộc, gần gũi, gắn liền với các nhân vật trong truyện dân gian, như: chú Tễu, ông Địa, thằng Bờm, Chí Phèo, Thị Nở hay mặt nạ 12 con giáp, đầu lân, đầu sư tử,... được trẻ nhỏ yêu thích. Đặc biệt, món đồ chơi này đều được làm thủ công với nguyên liệu tự nhiên, đơn giản như: tre, nứa, giấy, bìa cát-tông.

Xuyen dem lam 10.000 chiec mat na giay boi ban Tet Trung Thu-Hinh-2

Để có đủ lượng mặt nạ giấy bồi mỗi dịp Trung Thu, gia đình ông Đông phải làm từ tháng 9 Âm lịch năm ngoái

Xuyen dem lam 10.000 chiec mat na giay boi ban Tet Trung Thu-Hinh-3

Từ đầu tháng 5 Âm lịch năm nay thì bước vào giai đoạn sơn vẽ hoàn thiện

Xuyen dem lam 10.000 chiec mat na giay boi ban Tet Trung Thu-Hinh-4

Đây là khâu quan trọng và tốn nhiều thời gian

Xuyen dem lam 10.000 chiec mat na giay boi ban Tet Trung Thu-Hinh-5

Khâu này, ông Đông phải thuê thêm người làm

Để hoàn thiện 1 chiếc mặt nạ phải qua 3 công đoạn: bồi thô, sơn vẽ và hoàn thiện đóng gói. Mặt nạ được tạo hình bằng cách bồi giấy bìa, giấy trắng lên khuôn xi măng đúc sẵn, sử dụng hồ bột sắn để kết dính các lớp giấy. Sau khi phơi khô, mặt nạ giấy trắng được người thợ sơn, vẽ tay, thổi hồn trở thành những hình thù ngộ nghĩnh.

Trong đó, khâu bồi thô do người thợ khác được ông Đông thuê đảm nhiệm, phải đảm bảo bồi sát khuôn, nhẵn thì vẽ mới đẹp. Khâu quan trọng nhất và khó nhất là khâu vẽ tạo hình. Khi vẽ, phải chú ý các chi tiết mắt, râu, lông mày,... bởi nó quyết định vẻ đẹp, thành công của một chiếc mặt nạ. Trung bình mỗi chiếc, ông Đông mất 30 phút sơn vẽ.

Vì thế, khâu này chủ yếu do ông và một người con trai thực hiện. Song, vào lúc cao điểm vẫn phải thuê thêm người sơn vẽ phụ. Sau khi mặt nạ hoàn thiện sẽ để khô màu rồi gắn dây, đóng gói đem bán.

Để có đủ số lượng mặt nạ phục vụ Tết Trung Thu, gia đình ông Đông phải chuẩn bị làm mặt nạ thô từ tháng 9 âm lịch năm ngoái, đến tháng 5 âm lịch năm nay thì bắt tay vào sơn vẽ hoàn thiện. Ông phải thuê thêm 4 người làm phụ giúp.

Xuyen dem lam 10.000 chiec mat na giay boi ban Tet Trung Thu-Hinh-6

Mỗi dịp Trung Thu, ông Đông bán ra khoảng 10.000 chiếc mặt nạ giấy bồi. 

Giá bán sỉ mỗi chiếc mặt nạ dao động từ 15.000-16.000 đồng. Ngoài cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nội, ông còn đổ sỉ đi nhiều tỉnh thành khác như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng,... Tính ra, mỗi ngày ông xuất bán khoảng 200-300 chiếc. Trung bình mỗi năm, nhà ông bán ra khoảng 10.000 chiếc mặt nạ, tầm 11-12/8 âm lịch là “cháy hàng”.

Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng hàng bán ra chậm hơn so với mọi năm. Thời điểm này, gia đình ông bán được gần 5.000 chiếc mặt nạ, còn lại phụ thuộc vào thị trường những ngày giáp Tết Trung Thu.

Dù vậy, không chỉ ông Đông mà các hộ khác trong làng vẫn quyết tâm giữ nghề mà cha ông truyền lại, không vì khó khăn mà từ bỏ.

“Mấy tháng nay tôi làm luôn chân luôn tay đến 11h đêm mới nghỉ, nằm ngả lưng đến 3h30' sáng lại dậy xếp hàng để chuyển đi. Thu nhập gọi là lấy công làm lãi, nhưng vì yêu nghề nên mình cố gắng gìn giữ”, ông chia sẻ.

Ông Đông tâm sự, nếu chỉ bán mặt nạ giấy bồi thì thu không đủ chi. Do đó, ngoài mặt hàng này ông còn làm thêm đầu lân, trống và nhiều sản phẩm khác. Mấy năm gần đây, ông đón thêm khách du lịch đến trải nghiệm công việc làm đồ chơi truyền thống. Thu nhập mỗi năm của gia đình ông khoảng 450-500 triệu đồng.

Ngày nay, dù trẻ em ngày càng có nhiều đồ chơi hiện đại, bắt mắt, nhưng ông Đông tin đồ chơi truyền thống dân gian vẫn có chỗ đứng riêng. Mỗi mùa Trung thu, những chiếc mặt nạ giấy bồi hay trống da của làng vẫn được chở đi bán khắp trong Nam ngoài Bắc, được du khách trong và ngoài nước yêu thích.

Theo Nhật Thanh/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)