Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an cùng các cơ quan chức năng vừa triệt phá nhiều nhóm đối tượng phát tán tin nhắn rác lừa đảo chiếm đoạt phí dịch vụ của các thuê bao di động.
Lừa đảo có tổ chức
Theo C50, nhóm đối tượng do Lê Ngọc Tiến (trú tại Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cầm đầu đã tổ chức thuê người, mua sắm trang thiết bị thành lập 3 công ty: Vvas, Vcontent, Bắc Đại Dương hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo trên các đầu số 7x68 và 7x77 của các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động Vinaphone, MobiFone, Viettel. Kết quả điều tra ban đầu xác định từ tháng 6-2013 đến tháng 6-2014, Vvas và Vcontent đã phát tán hàng triệu tin nhắn lừa đảo từ các đầu số nêu trên với 27 cú pháp, chiếm đoạt khoảng 22 tỉ đồng của các thuê bao di động. Số tiền này Tiến ăn chia với các nhà mạng theo tỉ lệ 45%-55%.
Mở rộng điều tra, C50 còn phát hiện một nhóm công ty khác là Thiên Ngân, Thiên Hà cũng tổ chức phát tán tin nhắn lừa đảo. Bước đầu, cơ quan công an xác định trong tháng 5 và tháng 6-2014, 2 công ty này đã phát tán hàng trăm ngàn tin nhắn rác với 83 cú pháp lừa đảo, chiếm đoạt 1,016 tỉ đồng từ người dùng.
Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn lừa đảo của các công ty nêu trên tương tự nhau. Các đối tượng chia thành nhiều nhóm, nhóm này soạn thảo nội dung tin nhắn, nhóm khác phát tán và nhóm nữa đảm nhận việc thu tiền. Các đối tượng sử dụng những cú pháp tin nhắn khác nhau với nội dung về lô đề, tử vi bói toán, lừa đảo trúng thưởng… nhằm dẫn dụ người tiêu dùng nhắn tin trả lời và ngay lập tức sẽ bị tự động trừ 500-15.000 đồng/tin nhắn.
Các chuyên gia viễn thông nhận định nguyên nhân chính giúp các đối tượng này lừa đảo dễ dàng là do việc cung cấp các đầu số dịch vụ nội dung quá dễ dãi. Theo đó, hiện nay, bất cứ cá nhân, doanh nghiệp (DN) nào cũng có thể thuê những đầu số 6xxx, 7xxx, 8xxx từ các nhà mạng một cách dễ dàng với giá chỉ vài triệu đồng, thậm chí có nơi còn miễn phí. Sau đó, họ chỉ cần sắm thêm các thiết bị, phần mềm tự động nhắn tin đến số điện thoại là có thể ngồi một chỗ phát tán hàng ngàn tin nhắn rác mỗi giờ để dẫn dụ người dùng nhắn tin lại.
|
Chỉ cần người dùng trả lời những tin nhắn rác lừa đảo như thế này, ngay lập tức họ đã bị “móc túi”. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quy định hiện hành, nội dung các tin nhắn dịch vụ giá trị gia tăng phải được nhà mạng kiểm duyệt. Thế nhưng trên thực tế, các nhà mạng đã quản lý khá lỏng lẻo. Khi ký kết hợp đồng với nhà mạng, các công ty thường báo cáo nội dung tin nhắn lành mạnh, đúng quy định nhưng thực tế thì hoàn toàn khác.
Không thể vô can
Khách hàng bị lừa đảo, không lẽ cơ quan quản lý, đặc biệt là các nhà mạng, vô can? Anh Nguyễn Văn Hoàng, một khách hàng ở TP HCM, cho rằng nhà mạng phải chịu trách nhiệm, vì họ cũng được chia tiền chiếm đoạt được do lừa đảo.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết điều 24 Nghị định 90/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 77/2012/NĐ-CP quy định rõ: Nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn không được cung cấp dịch vụ này cho các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cấp mã số quản lý; phải có biện pháp giới hạn số lượng, tốc độ và tần suất nhắn tin từ một người sử dụng dịch vụ.
“Chỉ thị số 04/CT-BTTTT ngày 30-12-2011 của Bộ TT-TT cũng nêu rõ các DN viễn thông di động phải tăng cường rà soát, giám sát những DN cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn. Khi phát hiện DN nào có dấu hiệu phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo… thì phải chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh, đồng thời báo cáo ngay về Bộ TT-TT để xử lý. Do đó, tôi cho rằng trong vụ việc này, các nhà mạng cũng đã có hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống thư rác” - luật sư Hậu nhận định.
Về việc nhà mạng được hưởng 45%-55% số tiền chiếm đoạt do lừa đảo có chịu trách nhiệm hình sự hay không, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhìn nhận: “Đồng phạm trong hình sự chỉ đặt ra đối với các cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự mà không đặt ra đối với tổ chức. Do đó, chỉ có thể xử lý hành chính các nhà mạng. Tuy nhiên, qua điều tra, nếu xác định được các cá nhân liên quan của nhà mạng biết việc cung cấp dịch vụ là tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo nhưng vẫn thực hiện để hưởng lợi thì các cá nhân đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm”. Luật sư Hậu cũng cho rằng theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, nhà mạng buộc phải hoàn lại số tiền hưởng lợi trái phép cho khách hàng.
Rõ ràng, các quy định pháp luật để quản lý viễn thông còn nhiều khoảng trống. Những khoảng trống pháp lý đó đã bị kẻ xấu lợi dụng để móc túi khách hàng.
Cục Viễn thông cho biết thông tư về quản lý đầu số viễn thông đang được cơ quan này hoàn thiện để trình Bộ TT-TT phê duyệt. Theo đó, Bộ TT-TT sẽ là nơi cấp phát đầu số thay vì các DN viễn thông như hiện nay.