“Truy” nguyên nhân hàng loạt siêu thị điện máy “chết đau đớn"

Google News

(Kiến Thức) - Đứng trước tình trạng nợ nần và hàng tồn kho chất đống, nhiều siêu thị điện máy phải đóng cửa, chạy nợ.

Sụp đổ theo dây chuyền
Thời điểm 4 năm trước đây là thời điểm phát triển ồ ạt của các siêu thị điện máy, điện tử. Vào thời điểm đó, rất nhiều các siêu thị điện máy đua nhau ra đời, mọc lên như nấm ở các tỉnh thành lớn của cả nước. Tuy nhiên, từ giữa năm 2011 và đặc biệt là từ đầu năm 2012, đứng trước tình trạng nợ nần và nhiều khó khăn gặp phải trong quá trình kinh doanh, nhiều siêu thị điện máy đã phải đóng cửa, bỏ cuộc chơi. Dự báo thị trường sẽ còn chứng kiến sự ra đi của nhiều thương hiệu khác.
Mới đây, siêu thị điện máy HomeOne (thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ bán lẻ Tiên Phong) cuối cùng trong hệ thống cùng tên trên địa bàn TP.HCM đã đóng cửa kinh doanh do công ty sở hữu mặt bằng thu hồi địa điểm vì nợ quá hạn. Theo đó, chi nhánh HomeOne tại ngã ba Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TP.HCM) vừa bị niêm phong. Một nguồn tin cho biết, Công ty Tiên Phong nợ tiền thuê mặt bằng của Công ty Z755 nhiều tháng liền, số tiền có thể lên đến vài tỷ đồng. Do đó vào ngày 31/8, sau khi các bên liên quan họp từ trưa đến chiều, siêu thị đã bị niêm phong hoàn toàn. Ngày 3/9, hai bên sẽ tiến hành kiểm đếm, bàn giao tài sản. Ngày 10/9, Tiên Phong phải bàn giao nguyên trạng mặt bằng cho Z755.
 Chi nhánh của HomeOne ở Vincom Center A (quận 1) đóng cửa. Ảnh: Pháp luật TP.HCM
Trước đó, vào khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7, một siêu thị HomeOne khác trong chuỗi nằm trong Trung tâm thương mại Vincom A cũng đã đóng cửa, trả mặt bằng sau 1 năm kinh doanh. Trước đó nữa, siêu thị HomeOne nằm tại số 302 đường Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM cũng phải làm việc tương tự.
Trong khi đó, trang web bán hàng của HomeOne ở địa chỉ homeone.vn ở thời điểm ngày 3/9 hiện chỉ hoạt động ở mảng hàng tiêu dùng, ngưng hoạt động ở mảng hàng điện máy.
Trước HomeOne, thị trường điện máy TP.HCM đã từng chứng kiến nhiều siêu thị đóng cửa. Nổ phát súng đầu tiên trên thị trường điện máy TP.HCM là vụ phá sản của WonderBuy ngày 13/6/2011 sau gần một năm hoạt động. Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Điện máy, máy tính, viễn thông Hợp Nhất, đơn vị sở hữu thương hiệu WonderBuy cho biết siêu thị đã thua lỗ hơn 52 tỷ đồng, trong đó gồm tiền thuê mặt bằng, tiền hàng hóa của các nhà cung cấp.
Ngay sau khi WonderBuy đóng cửa vài ngày, đến lượt Công ty TNHH Điện máy điện lạnh Hoàng Linh (số 190 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp, TP.HCM) đã "cửa đóng then cài" mà không có bất kỳ thông tin nào và cũng không liên lạc được. Nhiều người cho rằng, Hoàng Linh đã theo chân WonderBuy ra đi.
Sang năm 2012, siêu thị điện máy Best Carings tại Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM cũng đóng cửa. Trước đó, một số siêu thị điện máy như Lộc Lê, Vietnamshop.com cũng đã âm thầm ra đi. Lý do, quá vắng khách trong khi vốn đầu tư thấp.
Tại Hà Nội, một loạt các siêu thị điện máy cũng bắt đầu thu hẹp quy mô trưng bày. Siêu thi Điện máy Pico tại 173 Xuân Thuỷ, quận Cầu Giấy, trước đây bề thế với 4 tầng nay đã thu lại còn 3. Tuy mặt bằng thuê dài hạn, nhưng vẫn phải thu hẹp để cắt giảm các chi phí cố định như tiền điện.
Siêu thị điện máy Trần Anh tại 292 Tây Sơn, quận Đống Đa cũng trong tình cảnh tương tự, thu hẹp quy mô từ 4 tầng giảm xuống còn 3 nhằm giảm các chi phí.
Cuối năm 2011, Trần Anh mở 1 siêu thị điện máy tại quận Long Biên với diện tích 5.000 m2 thì sau vài tháng bán hàng đã quyết định trả lại 1/2 diện tích.
Siêu thị Media Mart cũng đã phải đóng cửa điểm bán hàng ở Nguyễn Chí Thanh, còn siêu thị Việt Long cũng dừng bán hàng ở Hà Đông.
Một doanh nghiệp kinh doanh điện máy cho biết, hiện nay có không ít các siêu thị tại Cần Thơ, TP.HCM, Hà Nội lâm vào cảnh tài chính rất khó khăn, không có tiền trả tiền thuê mặt bằng, nợ lương, nợ bảo hiểm nhân viên, giảm bớt nhân viên...
Vì đâu nên nỗi?
Những khó khăn của nền kinh tế, dẫn tới sức mua của người tiêu dùng giảm sút được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều siêu thị điện máy lâm vào tình cảnh khó khăn, dẫn đến phá sản, phải đóng cửa.
Được biết, một siêu thị điện máy mở ra, nhà cung cấp sản phẩm sẽ cho siêu thị đó nợ tiền sản phẩm 3-4 tuần. Không ít doanh nghiệp sẽ dùng số lãi và nợ hàng nhà cung cấp chưa đến hạn phải trả để tiếp tục mở thêm một siêu thị hay trung tâm khác, thực hiện chiến lược nhanh chóng phủ rộng, tăng các điểm bán hàng. Khi đến hạn trả nợ nhà cung cấp từ những đơn hàng trước (đã bán hết), các siêu thị lại quay vòng tiền bằng vay ngân hàng từ tài sản thế chấp và hàng tồn kho để "đập" vào khoản nợ hàng cho nhà cung cấp. Cứ thế, các trung tâm, siêu thị điện máy ra đời và với quy trình như vậy.
 Nhiều siêu thị điện máy cầm cự qua cơn bĩ cực. Ảnh: An ninh Thủ đô
Nhiều doanh nghiệp có thể mở tới 3-5 siêu thị trong một thời gian ngắn, nhưng thực tế trong đó, chi phí đầu tư về hạ tầng, hàng hóa và các chi phí khác lại chủ yếu của nhà cung cấp và của ngân hàng. Nếu thị trường tốt hoặc chỉ lỗ trong thời gian ngắn thì doanh nghiệp sẽ dễ bù lại khoản đó, nhưng thị trường xấu đi, cứ mỗi hôm lỗ một ít, lỗ này chồng lỗ kia, đến một thời điểm doanh nghiệp không thể gánh vác được nữa sẽ buộc phải phá sản.
Với góc độ của "người trong cuộc", Giám đốc kinh doanh Công ty Trần Anh từng cho báo giới biết, có 2 lý do dẫn tới một loạt các siêu thị điện máy phải đóng cửa, đó là chi phí thuê mặt bằng quá cao dẫn đến kinh doanh không hiệu quả và hàng tồn kho lớn bởi sức mua suy giảm.
Chi phí mặt bằng thường chiếm tới 50% tổng chi phí của các siêu thị. Tính toán sơ bộ, để có hiệu quả thì doanh số tính trên m² diện tích sàn ở mức 100 triệu đồng/tháng, nhưng hiện nay doanh số thu được của các siêu thị thường chỉ đạt 50 - 60 triệu đồng/m²/tháng, thậm chí là 30 triệu đồng/m², vì thế mà kinh doanh không có hiệu quả. Hơn nữa, với nhiều siêu thị, hệ thống phần mềm quản lý hàng tồn kho quá kém, không quản lý được, vòng quay hàng tồn kho kéo dài. Hàng tồn kho tăng cao trong khi vốn vay lớn, lãi suất cao là nguyên nhân dẫn đến sức chịu đựng nhiều siêu thị đi đến giới hạn cuối cùng, không kham nổi và đành "bỏ cuộc chơi".
Hải Sơn (tổng hợp)

Bình luận(0)