Việc hãng hàng không Hải Âu (thuộc Tập đoàn Thiên Minh) vừa nhận bàn giao 2 chiếc Cessna Grand Caravan EX (3,2 triệu USD/chiếc) từ nhà chế tạo máy bay Cessna (Mỹ) là tin vui cho những người muốn trải nghiệm dịch vụ thủy phi cơ sắp có ở Việt Nam. Hai chiếc máy bay này sau đó được chuyển cho công ty Wipaire (Mỹ) để lắp phao thủy phi cơ, dự kiến về đến sân bay Nội Bài vào tháng 8 và bắt đầu khai thác phục vụ du lịch từ tháng 9.
Dịch vụ thủy phi cơ là loại hình kinh doanh đã phát triển mạnh trên thế giới tuy nhiên còn khá mới mẻ tại Việt Nam và
Hải Âu là hãng hàng không tư nhân đầu tiên cung cấp dịch vụ này. Theo ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh kiêm Giám đốc điều hành Hãng hàng không Hải Âu, thay vì sẽ phải ngồi 3 - 4 tiếng trên ô tô từ Hà Nội đến Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) thì nay với thủy phi cơ, khách hàng chỉ phải mất 30 phút. Hơn thế, khách hàng còn được trải nghiệm ngắm cảnh biển từ độ cao 150 - 3.000 m.
|
Chiếc thủy phi cơ sẽ được khai thác tại Việt Nam vào tháng 9 tới đây. |
Theo kế hoạch, trước mắt, hãng hàng không Hải Âu sẽ triển khai dịch vụ thuỷ phi cơ tại khu vực phía Bắc (giữa Hà Nội và vịnh Hạ Long), tiếp sau đó sẽ mở rộng ra khu vực phía Nam (giữa TP HCM và các điểm
du lịch tại Khánh Hoà, Bình Thuận, Cần Thơ, An Giang, Côn Đảo, Phú Quốc).
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam có buổi họp bàn với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc chuẩn bị bay thủy phi cơ tại địa phương này. Theo Cục Hàng không, khai thác thủy phi cơ là một loại hình mới thuộc hoạt động hàng không chung. Về cơ sở pháp lý, hoạt động hàng không chung tuân thủ Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải
Hàng không đến 2020 và định hướng đến 2030, Quy chế an toàn hàng không... Cục cũng cho biết, với đặc điểm đường bờ biển dài, hệ thống sông ngòi dày đặc ở nước ta, nhu cầu của loại hình hoạt động thủy phi cơ là rất lớn. Bên cạnh đó, việc tổ chức hoạt động bay thủy phi cơ sẽ tạo ra loại hình dịch vụ mới, thu hút khách du lịch đến vịnh Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Đầu tháng 4 năm nay, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị hãng hàng không Hải Âu nhanh chóng tiến hành các thủ tục pháp lý có liên quan đến dự án thủy phi cơ tại Mũi Né để lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt. Thủy phi cơ sẽ bay theo lịch trình từ TP HCM - Mũi Né - Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và ngược lại để thực hiện dịch vụ bay ngắm cảnh trên bầu trời; bay dịch vụ phục vụ sự kiện, chụp ảnh, y tế; bay chuyến theo từng hợp đồng riêng lẻ khác...
Theo đó, địa điểm hạ cánh thủy phi cơ tại các tỉnh cụ thể như sau: biển Mũi Né tại Phan Thiết, sân bay Tân Sơn Nhất tại TP HCM và sân bay Cam Ranh tại Nha Trang.
Trước đó, trong buổi tiếp xúc với hãng hàng không Hải Âu tại văn phòng UBND tỉnh An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh khẳng định quan điểm, chủ trương ủng hộ đầu tư tổ chức hoạt động bay thủy phi cơ tạo ra loại hình du lịch mới, thu hút nhiều
khách du lịch đến Châu Đốc nói riêng và An Giang nói chung.
Chủ tịch tỉnh An Giang cũng đồng ý với kế hoạch tổ chức khai thác dịch vụ thủy phi cơ phục vụ du lịch tại vị trí ngã ba sông TP Châu Đốc - nơi có diện tích mặt nước lớn thuận tiện cho thủy phi cơ cất và hạ cánh cũng như neo đậu, lại gần các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của tỉnh, rất thuận lợi cho du khách tham quan.
Ông Vương Bình Thạnh còn góp ý với hãng hàng không Hải Âu về việc khảo sát và xác định thêm địa điểm cất, hạ cánh của thủy phi cơ tại TP Long Xuyên. Đồng thời đề nghị hãng hàng không Hải Âu kết hợp với các đơn vị Ban chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và các Sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố liên quan tiếp tục tích cực khảo sát để xác định vị trí cụ thể khai thác thủy phi cơ và thực hiện các thủ tục cần thiết để quản lý và khai thác hiệu quả dịch vụ này.
Được biết, chiếc thủy phi cơ của hãng hàng không Hải Âu chở được 12 - 18 hành khách. Cơ trưởng của chuyến bay sẽ là những phi công giàu kinh nghiệm người Mỹ, Canada, còn cơ phó là người Việt Nam. Những chiếc thủy phi cơ này tuân thủ về an toàn và bảo dưỡng theo quy định của hàng không và không quân Việt Nam.
Đương nhiên, giá cả của một chuyến du lịch thủy phi cơ như vậy cũng không hề rẻ, chủ yếu nhắm vào khách du lịch quốc tế hoặc khách du lịch Việt Nam có thu nhập cao. Một giờ bay bằng thủy phi cơ sẽ tốn khoảng 4.000 USD, chia đều ra cho số người trên máy bay. Bay từ Hà Nội ra Hạ Long có giá 250 USD/người/chiều. Còn nếu hành khách đi
tour trọn gói vừa bay từ Hà Nội ra Hạ Long, xong lại bay ngắm toàn cảnh vịnh thì giá khoảng 350 USD/người/chiều.