Rủ khách thăm vườn, lão nông thu tiền tỷ mỗi năm

Google News

Từ đỉnh núi cao chót vót đến những miệt vườn ở giữa đồng bằng phì nhiêu, người nông dân không chỉ trồng cây thu trái mà còn làm nông nghiệp để giải trí.

Khách thăm vườn, nông dân thêm thu nhập
Những ngày gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn, vườn cam, bưởi của ông Nguyễn Văn Hữu (ở Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang) quả chín vàng rực, sai trĩu cành. Hàng trăm du khách nườm nượp vào tham quan, check-in.
Trên khu đất này, ông Hữu trồng cây ăn trái nhiều năm nhưng làm nông nghiệp đón khách du lịch tới vườn trải nghiệm thì mới chỉ bắt đầu.
“Khách thập phương đến chơi, khen quê tôi nhiều cảnh đẹp, trái cây ngon, bà con thân thiện, hiền hòa nên tôi vui lắm”, ông nói. Từ trước đến nay, ông Hữu chưa bao giờ nghĩ có một ngày trang trại của mình sẽ thành một điểm du lịch.
Dù mới chuyển sang làm du lịch nông nghiệp song vườn nhà ông Hữu trung bình mỗi ngày đón 200 lượt khách, ngày cuối tuần có hôm lên tới gần 1.000 người. Theo đó, khách du lịch đến, có thể trải nghiệm những gì chân thực nhất của địa phương, được ăn những món ăn ngon, cùng nông dân ra vườn thu hoạch bưởi, cam. Thương hiệu trái cây cũng được lan tỏa rộng rãi.
Ru khach tham vuon, lao nong thu tien ty moi nam
Du khách check-in tại vườn cây ăn trái (Ảnh: Nguyễn Chương) 
“Năm nay, vườn trái cây nhà tôi cho thu hoạch khoảng 300 tấn trái, doanh thu khoảng 6 tỷ đồng, trừ chi phí gia đình còn lãi khoảng 3 tỷ đồng”, ông tiết lộ.
Không chỉ vườn cam, bưởi của ông Hữu, các vườn vải ở huyện Lục Ngạn cũng dần chuyển hướng làm du lịch nông nghiệp. Nông dân “bắt tay” với doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm hái vải thiều hay bán nguyên cả cây.
Mùa vải thiều chín vừa qua, tới thăm mô hình vườn vải du lịch sinh thái tại xã Giáp Sơn (Lục Ngạn), Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ cảm xúc: “Quá tuyệt vời!”. Sau đó, ông đã đặt mua nguyên cây vải thiều tại vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở Lục Ngạn, bởi ấn tượng với mô hình “Cây vải vườn nhà".
Ở nơi đồi núi cao và suối sâu xen lẫn thung lũng, anh Bùi Ngọc Thắng - Giám đốc HTX Du lịch Pha Đin (Thuận Châu, Sơn La) - cũng tạo ra mô hình du lịch nông nghiệp.
Anh tâm sự, ngày nhỏ theo bố mẹ lên nương trồng ngô, sắn, sau chuyển sang trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, việc canh tác nông nghiệp theo thời vụ, nhỏ lẻ, không có tính liên kết nên tiền lời chẳng được bao nhiêu. Không chỉ riêng gia đình anh, bà con ở bản Kiến Xương đều như vậy.
Không muốn chịu mãi cảnh cái nghèo, cái đói đeo bám, anh cùng một số hộ gia đình trồng cây ăn quả trong vùng thành lập HTX du lịch Pha Đin. Ở đây, ngoài phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất sạch, liên kết tiêu thụ nông sản mà còn là nơi thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. 
HTX xây dựng khu du lịch "Pha Đin top" với diện tích rộng hơn 30ha, trong đó có vườn hoa, khu tâm linh,... Riêng khu rừng sinh thái là diện tích trồng mận, đào, sơn tra,… để du khách nghỉ dưỡng, đồng thời trải nghiệm các hoạt động chăm sóc, thu hái quả và thưởng thức ngay tại vườn giống như người nông dân.
Đến nay, "Pha Đin top" thành điểm dừng chân quen thuộc của du khách. Dịp 2/9 năm ngoái, HTX đón trên 10.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.
Ngoài bán sản phẩm nông sản, làm nông nghiệp để trải nghiệm cũng trở thành xu hướng giúp người nông dân có thêm thu nhập.
Ở An Giang, từ 12ha đất trồng lúa và vườn tạp, lão nông Nguyễn Văn Sam mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Du khách rủ nhau về tham quan, chụp ảnh, ăn nghỉ giúp ông thu 9,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 3 tỷ đồng.
Khai thác “mỏ vàng” mới
Trên thế giới, du lịch nông nghiệp được triển khai từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ở nước ta, du lịch nông nghiệp được ví như "mỏ vàng", bởi có tiềm năng lớn để phát triển du lịch nông thôn. Ví như, các vùng ruộng bậc thang đã trở thành tài sản du lịch nổi tiếng mà không cần đầu tư nhiều hay các vùng biển, vùng trồng dừa, vùng trồng lúa từ Bắc vào Nam,...
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty CP Bagico, nhìn nhận với ngành nông nghiệp có lịch sử phát triển lâu dài, nếu biết khai thác gắn với du lịch, đây sẽ là một ngành rất tiềm năng. Theo đó, nguồn thu của du lịch nông nghiệp không chỉ đến từ tour mà còn từ lợi nhuận bán nông sản, đặc sản.
“Nông nghiệp du lịch là một gợi mở thú vị”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. Theo ông, tầng đầu tiên là kinh tế hàng hoá, tạo ra, sản xuất và mua bán đơn thuần. Tầng tiếp theo quan tâm thương mại hóa, đến dịch vụ, để tạo ra giá trị tăng thêm.
Kế đến trong tầng cao nhất của nấc thang giá trị là kinh tế trải nghiệm, đem đến sự độc đáo, nét khác biệt, bằng cách “chạm” đến cảm xúc của khách hàng, của người tiêu dùng một cách tự nhiên và gần gũi. Nông nghiệp du lịch, qua một buổi trình diễn thời trang nhẹ nhàng giữa vườn vải trĩu quả, chính là một hướng tiếp cận mới mẻ, theo xu hướng kinh tế trải nghiệm.
Ở nhiều nước, người ta còn tiếp cận khái niệm “Nông nghiệp giải trí”. Người nông dân đâu chỉ biết “cuốc bẫm cày sâu”, đâu còn “một nắng hai sương”, làm nông cũng có cách giải trí của người làm nông, khi ấy cuộc sống người nông dân không còn lặng lẽ, nép mình bên gốc vải, cây cam.
Theo đó, thay vì quá đặt nặng các kết quả mang tính sản xuất như sản lượng, quy mô hay trông chờ vào các giải pháp mang tính kỹ thuật, công nghệ,… có thể cân nhắc thêm cách tiếp cận phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên dịch vụ, dựa trên trải nghiệm, ông gợi ý.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng nhắc tới Mù Cang Chải (Yên Bái), nông dân trồng lúa đâu chỉ có bán lúa, bà con bán cảnh quan trên những thửa ruộng bậc thang cho du khách nghỉ dưỡng ở các khách sạn, homestay. Thế nên, sản lượng lúa trên ruộng bậc thang không thể bằng được ở Đồng bằng sông Hồng hay Đồng bằng sông Cửu Long nhưng thu nhập lại cao hơn nhiều.
Hiện phát triển du lịch nông nghiệp là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Bộ NN-PTNT muốn khai thác lĩnh vực này thành ngành kinh tế du lịch nông thôn và trở thành thương hiệu của Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các sản phẩm OCOP. Bởi khi đa giá trị trên một diện tích đất nông nghiệp, thu nhập của nông dân có thể tăng theo chiều thẳng đứng.
Theo Tâm An/Vietnamnet.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)