Liên quan đến tình trạng thực phẩm bày bán tại hệ thống siêu thị Ocean Mart không ghi hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, trả lời Kiến Thức, đại diện Ocean Mart cho rằng, một số sản phẩm tươi sống bày bán trong siêu thị này không bắt buộc phải ghi nhãn theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Thủ Tướng Chính Phủ về nhãn hàng hóa nhưng Ocean Mart áp dụng việc ghi nhãn để người tiêu dùng yên tâm hơn (thực tế Ocean Mart thời gian qua chỉ có nhãn tên hàng, giá cả, ngày sản xuất mà không có hạn sử dụng, xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm).
Cụ thể, Ocean Mart trích dẫn điều 5 khoản 2 của Nghị định:
“Hàng hoá không bắt buộc phải ghi nhãn:
a) Hàng hoá là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng;
b) Hàng hoá là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thuỷ sản, khoáng sản), vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi, xi măng, đất màu, vữa, hỗn hợp bê tông thương phẩm), phế liệu (trong sản xuất, kinh doanh) không có bao bì và bán trực tiếp theo thoả thuận với người tiêu dùng”.
|
Thực phẩm bán tại Ocean Mart đều được bọc trong khay xốp có bao bọc bằng màng bọc thực phẩm, có dán tem giá, ngày sản xuất...nhưng lại "quên" nguồn gốc xuất xứ. |
Tuy nhiên, về toàn bộ thực phẩm tươi sống thiếu nhãn tại Ocean Mart như Kiến Thức phản ánh đã được đóng vào khay xốp có bao bọc bằng màng bọc thực phẩm, có dán tem giá, ngày sản xuất..., thì trao đổi với Kiến Thức, một luật sư (xin được giấu tên) thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội khẳng định đây là một kiểu của loại bao bì lưu thông cùng với hàng hóa - do vậy, được coi là bao bì thương phẩm và bắt buộc phải có đầy đủ tem nhãn theo quy định của pháp luật.
“Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 89/2006 thì có một số hàng hóa không phải dán nhãn, như thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không đóng bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; nguyên, nhiên, vật liệu…Ở đây, Ocean Mart cho rằng, hàng hóa của họ thuộc nhóm mặt hàng tươi, sống nên không bắt buộc phải dán nhãn. Không có hướng dẫn cụ thể về quy định này nhưng có thể hiểu nó bao gồm các loại mặt hàng tươi sống mà người tiêu dùng có thể cảm nhận được bằng mắt thường như: các loại rau, củ quả có thể kiểm tra độ tươi bằng mắt thường; ốc, tôm, cua ... vẫn còn sống. Do vậy, nếu các mặt hàng mà Ocean Mart bày bán thuộc nhóm hàng trên và khi bán không đóng gói bao bì, mà bán trực tiếp cho người tiêu dùng thì không nhất thiết phải có nhãn hàng.
Tuy nhiên, đối với những thực phẩm đã đóng khay xốp, bọc màng bọc thực phẩm, theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định 89/2006/NĐ-CP, thì đây là loại bao bì lưu thông cùng với hàng hóa. Do vậy được coi là bao bì thương phẩm và bắt buộc phải dán nhãn” , luật sư phân tích.
|
Thực phẩm không có hạn sử dụng bán tại Ocean Mart. |
Theo luật sư này, việc thiếu nhãn hàng hóa của Ocean Mart là vi phạm quy định tại Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CP (Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa).
“Thực phẩm bày bán trong siêu thị cũng như các cơ sở kinh doanh khác đều phải tuân thủ Luật an toàn vệ sinh thực phẩm và các văn bản liên quan, phải rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo hạn sử dụng; dán nhãn hàng hóa đối với các loại thực phẩm thuộc nhóm bắt buộc phải dán nhãn ...”, luật sư nhấn mạnh.
Khoản 5 Điều 3 Nghị định 89/2006/NĐ-CP về bao bì hàng hóa
"5. "Bao bì thương phẩm của hàng hoá" là bao bì chứa đựng hàng hoá và lưu thông cùng với hàng hoá.
Bao bì thương phẩm của hàng hoá gồm hai loại: bao bì trực tiếp và bao bì ngoài.
a) Bao bì trực tiếp là bao bì chứa đựng hàng hoá, tiếp xúc trực tiếp với hàng hoá, tạo ra hình khối hoặc bọc kín theo hình khối của hàng hoá;
b) Bao bì ngoài là bao bì dùng để bao gói một hoặc một số đơn vị hàng hoá có bao bì trực tiếp."