Giá điện và cách tính giá điện vẫn luôn là vấn đề “nóng” trong dư luận. Gần đây, tập đoàn điện lực Việt Nam EVN đã khiến dư luận chú ý khi đề xuất 3 phương tính giá điện mới, dự kiến sẽ lấy ý kiến của người dân và các chuyên gia về vấn đề này vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới. Đây không phải là lần đầu, những thay đổi trong giá điện và cách tính giá điện của EVN gây xôn xao.
|
Ảnh minh họa. |
Năm nay, giá điện tăng thêm 7,5% kể từ 16/3 vừa qua, đưa mức giá bán lẻ bình quân lên mức 1.622,05 đồng/kWh. Đây là lần thứ 10 tăng giá điện trong 8 năm qua, kể từ năm 2007. Trong đó, tăng 7,5% lần này là mức cao so với 4 lần liên tục vừa qua, chỉ tăng 5%/đợt. Theo EVN, nếu tính đủ chi phí và đảm bảo có lợi nhuận cho Tập đoàn thì giá điện phải tăng gần 13%. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đồng ý cho phép EVN tăng ở mức 7,5%.
Các hộ tiêu dùng, kinh doanh sẽ được áp mức giá điện tăng dưới 7,5%; còn các hộ sản xuất áp dụng mức tăng trên 7,5%. Theo Bộ Công thương, các hộ sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng chỉ phải trả thêm tiền điện 6.000 đồng/tháng; với các hộ sử dụng điện từ 100 - 300 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 18.900 đồng/tháng và với các hộ sử dụng trên mức này sẽ trả thêm ít nhất 59.064 đồng/tháng.
Theo tính toán, đợt tăng giá điện này sẽ mang đến doanh thu tăng thêm cho EVN là 13.000 tỷ đồng. Việc tăng giá điện tháng 3 vừa rồi khiến người dân không khỏi bức xúc, khi hàng năm, dùng nhiều hay ít, người dân vẫn phải gánh thêm tiền điện, được cho là để bù lỗ cho EVN. Các ý kiến bức xúc xoay quanh việc cùng với sự tăng giá điện, thì sự minh bạch trong tính giá điện vẫn chưa được giải quyết. Thời điểm nắng nóng, các hộ gia đình nhận hóa đơn tiền điện tăng vọt bất ngờ... Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không thể rõ ràng trong chi phí sản xuất cũng như nâng cao năng suất lao động, giảm tổn thất điện năng… thì tình trạng tăng giá điện sẽ còn mãi tiếp diễn.
Từ năm 2011 đến nay, giá điện trong nước đã được điều chỉnh tăng 6 lần. Mỗi lần đều khiến dư luận hoang mang, bao giờ EVN mới ngừng tăng giá. Khi liên tục, năm 2011, giá bán điện bình quân được điều chỉnh tăng 2 lần; năm 2012, giá bán điện bình quân được điều chỉnh 2 lần; mỗi lần tăng thêm 5%; năm 2013, giá bán điện bình quân được điều chỉnh tăng thêm 5%; năm 2014 giá điện bình quân này được giữ ổn định; năm 2015, tăng 1 lần. Thời gian qua, hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt, người dân sử dụng điện nhiều thì đơn giá bị đội lên cao là do biểu giá lũy tiến đang áp dụng.
EVN không ít lần “nhấp nhổm” đề xuất mức tăng giá điện"khủng" để bù lỗ. Đặc biệt năm 2014, tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đề xuất phương án tăng giá điện lên tới 9,5%.
Lý do được đưa ra là các chi phí đầu vào đã tăng hơn 12%. Theo đó, giá khí tăng trong gần hai năm qua khiến chi phí tăng trên 4.000 tỉ đồng. Giá than cũng tăng hơn 4.400 tỉ đồng. Thuế tài nguyên nước tăng cũng từ 2% lên 4%...Tổng cộng chi phí đầu vào đã tăng tới 8.833 tỉ đồng. Đặc biệt là khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá của những năm trước còn tồn đọng chưa tính vào giá điện trên 8.800 tỉ đồng. Như vậy, để có khoản tiền bù lỗ, thanh toán nợ, EVN phải nhờ tới toàn dân đóng tiền điện tăng giá.
Theo đề xuất của EVN, giá bán điện bình quân trong năm 2014 (vào tháng 12/2014) lên 1.652,19 đồng/kWh, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.508,85 đồng/kWh). Nếu tăng lên 9,5%, tập đoàn này tăng doanh thu thêm khoảng 700 tỷ đồng. Số tiền này sử dụng để thanh toán chi phí bổ sung môi trường rừng năm 2011, 2012 của các nhà máy điện có công suất đến 30 MW. Hai là thực hiện đề án lắp đặt tụ bù, giảm tổn thất điện năng 267,46 tỷ đồng và ba là hạch toán được một phần chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn.
Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng cho rằng việc tăng giá lần này nếu không minh bạch sẽ khó có chuyện lòng dân thuận.. Kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối từ dư luận, đặc biệt là các chuyên gia, do EVN hiện đang kinh doanh có lãi. Mặc dù đưa đề xuất tăng giá điện gây sốc vào cuối năm 2014, song cuối cùng giá điện bình quân vẫn được giữ ổn định.