Cơ quan này yêu cầu, trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu đối với sữa, cán bộ hải quan phải yêu cầu cá nhân, tổ chức khai báo tên hàng mô tả rõ ràng, đầy đủ thành phần, hàm lượng, tính chất, cấu tạo, đặc điểm và công dụng, đáp ứng được yêu cầu về phân loại và áp dụng mức thuế, tránh gian lận thương mại.
Do tên thương mại của nhà sản xuất đặt cho sản phẩm có thể phù hợp với bản chất hoặc không phù hợp với bản chất của sản phẩm.
Vì vậy, đối với các mặt hàng sữa nói chung và mặt hàng sữa nhãn hiệu Danlait nói riêng, đề nghị các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra và quán triệt trong quá trình làm thủ tục hải quan phải yêu cầu cá nhân, tổ chức khai báo tên hàng mô tả rõ ràng, đầy đủ thành phần, hàm lượng, tính chất, cấu tạo, đặc điểm và công dụng, đáp ứng được yêu cầu về phân loại và áp dụng mức thuế, tránh gian lận thương mại.
|
Sữa Danlait sẽ bị kiểm tra kỹ khi làm thủ tục xuất nhập khẩu |
Vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH Mạnh Cầm, DN nhập khẩu và phân phối sữa Danlait tại thị trường Việt Nam.
Tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH Mạnh Cầm xuất trình các bộ tờ khai hải quan thể hiện hàng hóa nhập khẩu là sữa dê dạng bột hiệu Danlait dùng cho trẻ em với mức thuế nhập khẩu ưu đãi là 10%, nhãn phụ ghi trên hàng hóa là sữa dê Danlait 1, 2, 3, giấy chứng nhận của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cấp cho sản phẩm là Thực phẩm bổ sung: sữa dê Danlait,…
Tuy nhiên, do doanh nghiệp không thực hiện các quy định về ghi nhãn hàng hóa, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trong kho của Công ty TNHH Mạnh Cầm, báo cáo Ban Chỉ đạo 127 TW xử lý.
Cũng nhằm mục tiêu siết chặt hoạt động nhập khẩu sữa, cách đây ít ngày, Tổng cục hải quan vừa có văn bản yêu cầu Cục hải quan các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát đối với sữa nhập khẩu, nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các lô hàng sữa nhập khẩu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có khả năng gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị lưu ý đặc biệt những lô hàng sữa nhập khẩu từ New Zealand có nguy cơ chứa Clostridinum botulinum.