Sau Khi Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị bắt tối 20/8/2012, đến ngày 5/11/2012, Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát (100% vốn của Tập đoàn Hòa Phát) đã có đơn gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an về việc chưa nhận được 20 triệu cổ phần (CP) trị giá 264 tỷ đồng từ Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (ABCI) do bầu Kiên làm Chủ tịch HĐQT, Trần Ngọc Thanh làm Giám đốc.
Cụ thể, tháng 5/2012, Thép Hòa Phát đã ký hợp đồng với ACBI để mua lại 20 triệu CP của ACBI tại Hòa Phát với giá 264 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng, Thép Hòa Phát đã trích số tiền từ nguồn vốn tự có chuyển cho ACBI số tiền 264 tỷ đồng thông qua ngân hàng ACB. Tuy nhiên, đến thời điểm gửi đơn cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Thép Hòa Phát vẫn chưa nắm được quyền sở hữu 20 triệu CP nói trên bởi số CP này đang là tài sản thế chấp của ACBI tại ngân hàng ACB cho khoản vay 800 tỷ đồng.
Thực tế, việc bán 20 triệu CP cho Thép Hòa Phát là chính là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 264 tỷ đồng của bầu Kiên dưới sự trợ giúp đắc lực của Trần Ngọc Thanh, Giám đốc ACBI và Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng của ACBI.
|
Ông Nguyễn Đức Kiên |
Theo Biên bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, thông qua mối quan hệ với ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT và ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, bầu Kiên biết được Hòa Phát có chủ trương tăng sở hữu của Tập đoàn tại các công ty thành viên trong đó có Thép Hòa Phát mà ACBI đang sở hữu gần 22,5 triệu CP. Bầu Kiên đã đồng ý bán lại 20 triệu CP cho Thép Hòa Phát với giá 264 tỷ đồng.
Tuy nhiên, 22,5 triệu CP nói trên đã ACBI ký hợp đồng thế chấp vào ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng. Ngày 5/5/2012, bầu Kiên có chỉ đạo Nguyễn Ngọc Thanh đề nghị xem xét cho giải chấp 20 triệu trong số 22,5 triệu CP Thép Hòa Phát đã thế chấp nhưng phía ngân hàng ACB không đồng ý.
Mặc dù chưa có bất cứ văn bản nào đồng ý việc giải chấp 20 triệu CP Thép Hòa Phát do ACBI sở hữu nhưng ngày 15/5/2012, theo sự chỉ đạo của bầu Kiên, Trần Ngọc Thanh vẫn ký Biên bản họp HĐQT ACBI (thực tế HĐQT không họp) thể hiện chủ trương thống nhất của các thành viên trong HĐQT đồng ý chuyển nhương 20 triệu CP cho Thép Hòa Phát.
Ngày 21/5/2012, thực hiện ý kiến chỉ đạo của bầu Kiên, Trần Ngọc Thanh chính thức ký hợp đồng với Thép Hòa Phát để bán lại 20 triệu CP với giá 264 tỷ đồng mặc dù biết số CP này vẫn đang được thế chấp tại ngân hàng ACB.
Sau khi thu được số tiền 264 tỷ đồng từ Thép Hòa Phát, Trần Ngọc Thanh đã ký ủy nhiệm chi để chuyển số tiền này đi nhiều nơi giúp bầu Kiên trả nợ và sử dụng vào mục đích riêng.
Tại CQĐT, Trần Ngọc Thanh thừa nhận biết việc bán 20 triệu CP cho Thép Hòa Phát khi chưa được giải chấp tại ngân hàng ACB là trái pháp luật nhưng vì Thanh chỉ là người làm thuê cho Kiên nên phải thực hiện theo sự chỉ đạo của Kiên. Tuy nhiên, hành vi của Trần Ngọc Thanh đã đủ yếu tố cấu thành tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự với vai trò là đồng phạm giúp sức.
Về Nguyễn Thị Hải Yến, với chức năng là Kế toán trưởng của ACBI, Yến đều biết 22,5 triệu CP Thép Hòa Phát do ACBI nắm giữ đã được thế chấp tại ngân hàng ACB và chưa được giải chấp nhưng theo sự chỉ đạo của bầu Kiên, ngày 15/5/2012, Yến vẫn soạn thảo Quyết định về việc chuyển nhượng CP để Kiên ký và soạn thảo biên bản họp HĐQT ACBI thể hiện chủ trương đồng ý bán 20 triệu CP của các thành viên HĐQT dù thực tế HĐQT không hề họp.
Chính Yến cũng là người soạn thảo hợp đồng đưa cho Trần Ngọc Thanh ký với Thép Hòa Phát để bán lại 20 triệu CP đồng thời nhận và chuyển số tiền 264 tỷ đồng đi nhiều nơi giúp Kiên trả nợ và sử dụng vào mục đích riêng dù biết hành vi này là trái pháp luật.
Theo kết luận của CQĐT, hành vi của Nguyễn Thị Hải Yến đủ cấu thanh tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò là đồng phạm giúp sức.
Như vậy, Trần Ngọc Thanh, Giám đốc ACBI và Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng ACBI chính là hai trợ thủ đắc lực giúp bầu Kiên lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 264 tỷ đồng của Thép Hòa Phát.
Được biết, đến thời điểm này, Thép Hòa Phát vẫn chưa đòi lại được số tiền 264 tỷ đồng đã chuyển cho ACBI để mua 20 triệu CP.