KFC, Pizza Hut dùng thịt quá hạn
Công ty thực phẩm Shanghai Husi, nhà cung cấp thịt cho các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh ở Trung Quốc, đã phải tạm đóng cửa sau khi có thông tin cho rằng công ty này đã đóng gói lại các sản phẩm thịt quá hạn để bán cho khách hàng, lừa dối nhân viên kiểm định an toàn thực thẩm.
|
Ảnh minh họa.
|
Các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh ở Trung Quốc như McDonald’s, Burger King, KFC, Pizza Hut cho hay, họ đã ngừng việc bán các đồ ăn làm từ thịt do công ty Shanghai Husi cung cấp. Các tập đoàn thức ăn nhanh này đã cắt hợp đồng với công ty vi phạm trên và ra thông báo xin lỗi người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo thông tin trên báo chí, Shanghai Husia chủ yếu cung cấp các sản phẩm như thịt, hải sản, mì sợi và rau cho những cửa hàng ăn nhanh khắp Trung Quốc. Công ty này cho biết, diện tích mặt bằng của họ là 21.000 m2 và mỗi năm sản xuất 12 nghìn tấn thực phẩm đông lạnh.
Tiêm nước ao bẩn vào thịt cừu để kiếm lời
Đây được coi là một trong những bê bối rúng động của thực phẩm Trung Quốc độc hại năm 2014. Hồi đầu năm nay, kênh truyền hình Trung Quốc CCTV đưa tin cảnh sát nước này đã bắt giữ 7 người tại tỉnh Quảng Đông vì tội tiêm nước ao bẩn vào thịt cừu để tăng thêm trọng lượng, kiếm thêm lợi nhuận.
Cảnh sát đã đột kích vào khu mổ thịt cừu trên vào cuối tháng 12 năm ngoái, phát hiện ra khoảng 30 xác cừu đã được bơm nước, 335 con cừu sống, tem phiếu kiểm định giả và thiết bị bơm nước.
Các nghi phạm cho biết mỗi ngày thường giết mổ hơn 100 con cừu tại một khu giết mổ lậu sau đó tiêm nước đầy vi khuẩn vào thịt trước khi bán ra thị thường.
Đài Loan rúng động vì dầu ăn bẩn
Ngày 5/9, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã ra quyết định thu hồi hàng loạt mặt hàng thực phẩm của 235 doanh nghiệp địa phương do sử dụng dầu ăn “bẩn” sau khi phát giác một đường dây chuyên sản xuất và cung cấp dầu ăn tái chế, dầu ăn thải cho các công ty chế biến thực phẩm. Đây được cho là vụ bê bối về an toàn thực phẩm lớn nhất Đài Loan từ trước tới nay.
Tập đoàn thực phẩm Wei Chuan, một trong những doanh nghiệp có tiếng và lâu đời nhất trong ngành công nghiệp thực phẩm Đài Loan, đã quyết định thu hồi 12 mặt hàng của hãng, gồm thịt lợn khô và pa-tê sau khi những sản phẩm này bị phát giác chế biến từ dầu ăn "bẩn". Bên cạnh việc gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng, Wei Chuan tuyên bố sẽ thu hồi toàn bộ số thực phẩm bẩn trong các đại lý, siêu thị chính của hãng như: Carrefour, RT Mart, Far Easten A-Mart và PxMart cũng như hoàn trả tiền cho người mua để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
|
Các thùng được dùng để chứa dầu bẩn trước khi chế biến thành dầu ăn.
|
Vụ bê bối được phanh phui khi cảnh sát kiểm tra một nhà máy sản xuất dầu ăn không phép ở huyện Bình Đông, TP Cao Hùng. Nhà máy này có hơn 10 cơ sở sản xuất nằm ở Bình Đông và trong cả TP Cao Hùng. Đây là một đường dây chuyên làm dầu ăn "bẩn", dầu ăn tái chế-trước đó được thu từ các bếp ăn, chảo rán và thậm chí là cống rãnh của các nhà hàng, quầy bán thức ăn, do một người họ Kuo cầm đầu.
Đài Loan thêm bê bối đậu phụ khô chứa hóa chất gây ung thư
Vụ bê bối dầu bẩn chưa tạm lắng thì ngành thực phẩm Đài Loan mới đây lại tiếp tục đối diện tin đậu phụ khô tẩm hóa chất có khả năng gây ung thư.
Các nhà chức trách ra lệnh thu hồi hơn 2,5 tấn đậu phụ khô - món ăn vặt ưa thích của người dân nơi đây do nghi chứa thuốc nhuộm công nghiệp dimethyl nhằm tạo ra màu vàng bắt mắt, có khả năng tăng nguy cơ ung thư.
Chiang Yu - mei, Cục trưởng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (FDA) cho hay, hiện Cục phát hiện nhiều loại đậu phụ khô bị tẩm hóa chất độc hại có thể gây ung thư được sản xuất tại công ty Chien Hsin. Ngoài ra, có ít nhất 44 công ty chế biến thực phẩm khác cũng sử dụng hóa chất này cho các sản phẩm của mình.
Được biết, phẩm nhuộm công nghiệp dimetila từng được chứng minh có khả năng gây ung thư ở động vật. Hiện các nhà khoa học chưa thể khẳng định chắc chắn liệu dimetila có thể gây ung thư ở người hay không.
Hiện FDA chỉ thị các cơ sở sản xuất từng sử dụng nguyên liệu do Chien Hsin cung ứng phải thu hồi toàn bộ sản phẩm, nếu không có thể chịu mức phạt lên tới 6,3 triệu đô.
Wal-Mart Trung Quốc dính bê bối về an toàn thực phẩm
Vụ bê bối thực phẩm liên quan đến tập đoàn bán lẻ có trụ sở ở Mỹ Wal-Mart chi nhánh Thâm Quyến bị cáo buộc vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Cửa hàng Wal-Mart Honghu ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) bị cáo buộc bán thực phẩm quá hạn, tái sử dụng dầu ăn và bán lại gạo đã bị khách hàng trả lại.
Theo các cáo buộc, đồ ăn sẵn được bán trong cửa hàng này được nấu bằng loại dầu ăn đã không được thay trong ít nhất hai tuần, thậm chí là một tháng, trong khi thịt gà viên, thịt lợn đều đã quá hạn. Ngoài ra, cửa hàng này còn bị nghi ngờ đã sử dụng gạo bị khách hàng trả lại do có mọt để chế biến đồ ăn nhanh.
Một nhân viên của cửa hàng cung cấp video chứng minh các cáo buộc này cho rằng ông chủ của họ đang nỗ lực cắt giảm chi phí. Vụ việc đó đang được các nhà chức trách Thâm Quyến điều tra.
Tuy nhiên, Wal-Mart China phủ nhận các cáo buộc này, đồng thời cho biết đã cử một nhóm điều tra đến cửa hàng và hợp tác chặt chẽ với các nhà chức trách địa phương để điều tra vụ việc.
Thông báo của công ty này cũng khẳng định sẽ xử lý nghiêm các sai phạm nếu phát hiện được và sẽ mời các cơ quan bên thứ ba, độc lập tiến hành các cuộc thanh sát bất ngờ hàng tháng.
Thịt bò khô giả
Mới đây nhất là vụ thu hồi 30 tấn thịt bò khô giả được chế biến từ thịt lợn của ba công ty thực phẩm. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin, chủ sở hữu 3 công ty thực phẩm Ruian Lianxi Food, Ruian Chengjia Food và Guangzhou Siwei Food đã bị khởi tố trước pháp luật do sử dụng thịt lợn ngâm nước và chất phụ gia trong thực phẩm để sản xuất thịt bò khô phân phối trên thị trường.
Các cơ quan chức năng đã thu hồi 30 tấn sản phẩm bò khô “fake” của 3 công ty thực phẩm trên.
Vụ việc chỉ phát hiện khi các thanh tra thực phẩm của tỉnh Quảng Châu tiến hành kiểm tra sản phẩm bò khô có thương hiệu Yisi của công ty thực phẩm Guangzhou Siwei Food và phát hiện hàm lượng protein cũng như thịt trong các túi sản phẩm này rất thấp.
Sau đó, cảnh sát đã điều tra và tìm ra phương pháp sản xuất bò khô từ thịt lợn của 3 công ty thực phẩm trên. Theo đó, các công ty trên đã biến thịt lợn thành bò khô bằng cách ngâm nước cho các sợi thịt nở to giống sợi thịt bò, sau đó thêm các loại chất phụ gia gồm hương liệu mùi thịt bò.
Đại diện của 3 công ty thực phẩm biện hộ rằng giá cả thịt bò đắt gấp đôi thịt lợn, do vậy họ phải dùng thịt lợn để giảm giá thành sản xuất.
Các nhà điều tra cho rằng các công ty thực phẩm trên đã sản xuất thịt bò khô giả lừa người tiêu dùng từ năm 2011.