“Không có chuyện đánh úp dân khi tăng giá xăng trong đêm“

Google News

(Kiến Thức) - Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng quản lý giá, Bộ Tài chính bác bỏ ý kiến cho rằng tăng giá xăng khi người dân mải… xem bóng đá ngày 17/7 vừa qua.

20h ngày 17/7 vừa qua, giá bán lẻ xăng RON 92 được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng tối đa 468 đồng/lít, nâng giá bán lẻ mặt hàng này lên mức cao nhất cho phép là 24.578 đồng/lít. Mức giá mới tăng này chỉ kém 2 đồng mỗi lít so với mức kỷ lục được thiết lập ngày 28/3 là 24.580 đồng/lít.

Việc tăng giá bán xăng dầu lại được thực hiện trong đêm khi trận bóng đá giao hữu giữa Việt Nam và Arsenal đang diễn ra khiến nhiều người tỏ ý nghi ngờ bị Bộ Tài chính và các doanh nghiệp “đánh úp”, lợi dụng tăng giá xăng khi người dân mải mê xem bóng đá. Thậm chí, trên nhiều diễn đàn, cư dân mạng còn chế hàng loạt ảnh hài hước về việc giá xăng tăng khi trận bóng hấp dẫn đang diễn ra.

 

Ảnh chế về việc tăng giá xăng trong tối ngày 17/7 vừa qua của cư dân mạng. 

Tuy nhiên, sáng nay (19/7), Bộ Tài chính đã chính thức lên tiếng bác bỏ những suy diễn nói trên. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định, Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu thực hiện rất nghiêm túc theo Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. 

“Về việc điều chỉnh giá xăng dầu ngày 17/7 vừa qua có ý kiến cho rằng có phải điều chỉnh trong lúc người dân mải mê xem bóng đá trận giao hữu Việt Nam – Arsenal hay không, xin thưa rằng không có chuyện đó. Việc điều chỉnh giá xăng dầu được tiến hành đồng loạt trên cả nước chứ không riêng gì Hà Nội, giá điều chỉnh thích hợp với việc thống kê, điều hành giá xăng dầu”, ông Tuấn khẳng định.

Theo ông Tuấn, cơ quan quản lý đã theo dõi rất sát sao diễn biến giá xăng dầu thế giới, đặc biệt là có sự tham chiếu, đánh giá theo quy định của pháp luật. 

Ngày 1/7, sau khi tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về việc giá cơ sở đang cao hơn giá bán lẻ và đề nghị được tăng giá, Bộ Tài chính nhận thấy, ngày 28/6, doanh nghiệp đã có một lần điều chỉnh giá xăng dầu nên đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kiềm chế, không tăng ngay, tiếp tục theo dõi bởi diễn biến giá xăng dầu thế giới không ổn định, lúc tăng, lúc giảm. 

Sau đó, dưới áp lực tăng của giá xăng dầu thành phẩm thế giới, ngày 17/7 vừa qua, Bộ Tài chính đã thống nhất với Bộ Công thương và tính toán thấy giá cơ sở đang cao hơn giá bán lẻ từ 726 đồng đến 988 đồng.

“Mức chênh này rất cao, chúng tôi nhận thấy nếu để doanh nghiệp tự điều chỉnh giá bán lẻ theo như vậy sẽ tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh và chỉ số CPI, sau khi lựa chọn các phương án điều hành thì Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp phải cắt giảm 2/3 lợi nhuận định mức đối với mặt hàng xăng. Nghĩa là trong lợi nhuận định mức, các doanh nghiệp được hưởng 300 đồng/lít thì từ ngày 17/7, yêu cầu doanh nghiệp cắt giảm 200 đồng, chỉ còn hưởng lợi nhuận 100 đồng/lít. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn nâng mức Qũy bình ổn giá cho mặt hàng dầu hỏa và diezen từ 200 đồng lên 300 đồng/lít. Sau khi bù đắp như vậy thì giá cơ sở vẫn cao hơn giá bán lẻ từ 126 đồng – 400 đồng nên BTC giao cho DN rà soát và điều chỉnh giá vào ngày 17/7 nhưng không được cao hơn mức tối đa theo quy định của Bộ Tài chính”, ông Tuấn phân tích.

Nhận định thêm về đợt tăng giá mới này, ông Tuấn tính toán, việc tăng giá xăng, dầu có thể tác động khoảng 0,1% tới chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi biễn biến giá cả những mặt hàng có thể bị tác động trong thời gian tới để quản lý chặt chẽ và tham mưu cho Chính phủ giúp bám sát mục tiêu lạm phát năm nay.

Nguyên Đan

Bình luận(0)