Thời gian gần đây, việc Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bán một loạt dự án thủy điện với lợi nhuận khiêm tốn mà trước đó đã đổ không ít vốn đầu tư khiến nhiều người không khỏi tò mò và cho rằng có gì đó không ổn. Tuy nhiên, đánh giá về động thái này, các chuyên gia kinh tế đều khẳng định đó là một bước đi hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay.
Cụ thể, HAGL đã lên tiếng chính thức xác nhận đang muốn bán toàn bộ 6 dự án thủy điện tại Việt Nam gồm Daksrong 2, Daksrong 2A, Daksrong 3A, Daksrong 3B, Bá Thước 1, Bá Thước 2 trong khi vẫn giữ 2 dự án tại Lào là Nam Kong 2, Nam Kong 3. Mặc dù chưa công bố chi tiết giá bán nhưng theo công ty chứng khoán HSC, tỷ suất lợi nhuận thu về sẽ là khá nhỏ, khoảng 6%.
Trao đổi với Kiến Thức về việc “buông” thủy điện của bầu Đức, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá, động thái này là hoàn toàn dễ hiểu. “Như tôi được biết, gần đây HAGL có gặp khó khăn trong việc duy trì thanh khoản, bảo toàn vốn của tập đoàn. Về các khó khăn đó, HAGL đã có cải chính đồng thời công bố đầu tư lớn vào một số dự án trọng điểm như khu phức hợp ở Myanmar. Trong bối cảnh như vậy, HAGL muốn thoái vốn ở một số dự án mà phải chôn vốn lâu, sinh lợi nhuận không cao như thủy điện cũng bình thường, không có gì đáng để lo ngại. Mặc dù việc thoái vốn này, HAGL có thể thiệt thòi về giá. Tuy nhiên, với chiến lược kinh doanh của mình, tôi nghĩ một tập đoàn lớn như HAGL hoàn toàn tính toán được phương án nào có lợi nhất cho họ”, ông Doanh phân tích.
|
Bầu Đức "buông" thủy điện là điều dễ hiểu |
Bên cạnh đó, theo ông Doanh, ngoài việc cần tập trung vốn thì HAGL “buông” thủy điện có thể do họ cảm thấy lo ngại khi Chính phủ đang có những chính sách thu hẹp một số dự án thủy điện vừa và nhỏ, đồng thời cũng có nhiều ý kiến đề nghị xiết chặt thủy điện do những sự cố về vỡ đập gây hoang mang dư luận trong thời gian gần đây.
“Thủy điện trong thời gian qua đã phát triển quá nóng bởi có một số nhà đầu tư nhỏ cho rằng mình có thể thu lãi lớn từ việc giảm chi phí tái định cư cho dân chúng…không làm tròn trách nhiệm, dẫn đến các rủi ro đáng lo ngại như vỡ đập. Trong bối cảnh đó, một số nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc để quyết định có tiếp tục đầu tư vào thủy điện nữa hay không”, ông Doanh nói.
Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho rằng việc HAGL thoái vốn khỏi thủy điện là chuyện hết sức bình thường. “HAGL đã xác định được mục tiêu, cần hạn chế cái gì, phát triển mạnh cái gì, họ không muốn đầu tư dàn trải mà muốn tập trung vốn đề phát triển các dự án trọng điểm của tập đoàn nên việc họ bỏ thủy điện không có gì khó hiểu”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng đánh giá việc bán hàng loạt các dự án thủy điện tại Việt Nam của HAGL là một động thái tái cấu trúc kế hoạch đầu tư của tập đoàn này. “Trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp khác đều cần tái cấu trúc lại, xem xét các kế hoạch của mình để làm sao tiền đầu tư sinh lời hiệu quả nhất, HAGL cũng vậy, họ thấy cái nào có lợi hơn thì họ tập trung đầu tư cho cái đó”, ông Phong nói.
Theo thông tin từ phía HAGL, đơn vị này đã ký một hợp đồng với người mua trước cuối tháng 6 nên lợi nhuận từ bán các dự án thủy điện trên sẽ được ghi nhận vào Báo cáo tài chính Qúy 2/2013. Ngoài việc bán 6 dự án thủy điện trong nước, trong Qúy 4/2012, HAGL đã bán bớt hơn 5% cổ phần của công ty Thủy điện HAGL (đơn vị quản lý các dự án thủy điện của HAGL) cho một cá nhân người Đài Loan với mức giá bán hơn 30.000 đồng/cp, thu về khoản lợi nhuận hơn 200 tỷ.
HAG dự kiến sử dụng tiền từ bán các dự án thủy điện nói trên để đầu tư cho các dự án tại Myanmar và trả nợ ngân hàng. Ngày 9/7 vừa qua, HAGL mới huy động thêm 950 tỷ đồng vốn vay từ trái phiếu.