Thông thường cứ sau kỳ nghỉ Tết, giá thực phẩm tươi sống và rau củ quả lại được dịp tăng cao. Tuy nhiên Tết Đinh Dậu năm nay, theo khảo sát của PV Kiến Thức tại một số chợ dân sinh ở TP Hà Nội, giá cả thực phẩm sau Tết có tăng nhưng biến động giá không nhiều so với các năm trước.
Từ mùng 2 và mùng 3 Tết, tại nhiều chợ dân sinh ở Hà Nội đã bày bán hàng hóa. Chủ yếu là các gian hàng thực phẩm tươi sống và rau củ quả. Tại chợ Kim Giang trên đường Kim Giang (quận Hoàng Mai – Hà Nội), giá các loại thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, tôm, cá tăng 20 – 30% so với ngày thường. Riêng giá gà sống và gà thịt sẵn vẫn như cũ, còn rau xanh, hoa quả thì có loại tăng giá nhưng nhiều loại lại giảm giá khá mạnh so với trước Tết.
|
Trong khi thực phẩm tươi sống sau Tết tăng đáng kể thì giá nhiều loại rau xanh lại giảm. |
Cụ thể, giá thịt bò tại chợ này ngày mùng 4 Tết lên tới 300.000 đồng/kg với thịt thăn và bắp bò. Trong khi ngày thường, giá thịt thăn, bắp bò chỉ ở mức 240.000 đồng/kg. Thịt lợn thăn, sườn lợn được chào bán với mức giá 120.000 đồng/kg, lợn ba chỉ có giá 110.000 đồng/kg. Trong khi trước Tết giá các mặt hàng này thấp hơn 10.000 – 20.000 đồng mỗi loại.
Không chỉ thịt mà tôm, cá, hải sản sau Tết cũng có mức tăng giá đáng kể so với ngày thường.
Cá trắm tại chợ này nếu như ngày thường có giá 70.000 đồng/kg nguyên con hoặc 80.000 đồng/kg nếu mua khúc thân giữa thì ngày mùng 4 Tết đã tăng lên 90.000 đồng/kg nguyên con và 100.000 đồng/kg khúc giữa.
Cá chép cũng tăng 20.000 đồng/kg, lên 80.000 đồng/kg.
Tăng mạnh nhất trong nhóm hàng thực phẩm tươi sống phải kể đến là tôm. Những loại tôm nuôi cỡ 50 - 60 con 1kg nếu như ngày thường có giá 230.000 - 250.000 đồng/kg thì vào những ngày mùng 3-4 Tết, giá đã tăng lên 320 - 340.000 đồng/kg.
Chủ một quầy bán cá tại chợ Kim Giang cho hay: “Tết người ta nghỉ ngơi, đi chơi, đi lễ, chúng tôi phải đi bán hàng thì giá cao hơn ngày thường cũng là chuyện đương nhiên. Cũng như người ta đi làm công dịp Tết thì lương cũng được tính tăng gấp đôi gấp 3. Hơn nữa chúng tôi lấy hàng đầu vào cũng phải lấy giá cao hơn bình thường. Giá cả thực phẩm tươi sống chỉ tăng một vài ngày ngay sau Tết thôi, theo tôi thì từ mùng 7-8 trở đi, giá sẽ giảm dần và trở về mức thường nhật như mọi năm”.
Về giá rau củ quả sau Tết, chỉ một số loại tăng giá nhẹ như mồng tơi, rau ngót... Còn lại hầu hết các loại rau đều giữ nguyên giá hoặc giảm mạnh so với ngày thường. Thậm chí nếu so với thời điểm cận Tết khi giá rau củ quả tăng mạnh thì hiện sau Tết, giá các mặt hàng này đã giảm khá mạnh.
Cụ thể, tại chợ trong ngõ Vĩnh Phúc (Quận Ba Đình – Hà Nội), giá bắp cải hiện dao động từ 14.000 - 18.000 đồng/kg, trong khi trước Tết có giá khoảng 22.000 - 25.000 đồng/kg. Su su hiện có giá 9.000 – 11.000 đồng/kg, trong khi trước Tết giá lên tới 20.000 đồng/kg. Cải thảo có giá 12.000 - 14.000 đồng/kg, trong khi trước Tết giá lên tới 19.000 – 21.000 đồng/kg.
Riêng mặt hàng súp lơ xanh, nếu như ngày thường được bán với giá từ 10.000 – 13.000 đồng/cái thì dịp cận Tết Đinh Dậu 2017 bị đẩy giá lên tới 18.000 - 20.000 đồng/cái. Tuy nhiên sau Tết, giá hiện đã giảm về mức quanh 15.000 đồng/cái.
Theo các tiểu thương bán rau tại chợ Vĩnh Phúc, thời điểm cận Tết nguyên đán, trời nắng ấm nên các loại rau củ sinh trưởng phát triển tốt, lượng thực phẩm cung ứng dồi dào, thế nên rau củ sau Tết giá rẻ hơn so với mọi năm. Chỉ một số loại rau củ trái mùa như mồng tơi, rau ngót... giá mới đắt.
Theo khảo sát của PV Kiến Thức, Tết năm nay, việc cung ứng hàng hóa phục vụ Tết và sau Tết nguyên đán khá đám bảo, không có tình trạng khan thiếu hàng hay giá tăng quá sốc. Thậm chí so với các năm trước, biến động giá thực phẩm dịp cận Tết và sau Tết năm nay có phần ổn định hơn.