Theo Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực mới đây, Bộ Công thương đề xuất xử phạt nặng hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức, mức phạt có thể từ 2-50 triệu đồng. Ngoài hình thức xử phạt hành chính, các cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm.
Tình trạng trộm cắp điện đang diễn ra ở mức báo động trên phạm vi cả nước. Đối tượng trộm cắp điện không chỉ là cá nhân, tập thể mà còn cả doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý rất nhiều các vụ trộm cắp điện với thủ đoạn rất tinh vi của các doanh nghiệp, xí nghiệp.
Thành phố Hải Phòng là một điểm nóng về tình trạng
trộm cắp điện. Tổng lượng điện mất cắp của khu vực này lên đến 10% tổng sản lượng điện thất thoát của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC). Các cơ quan chức năng thành phố đã bắt quả tang nhiều vụ trộm cắp điện với giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng.
|
Báo động tình trạng trộm cắp điện. Ảnh: Internet. |
Điển hình là vụ Hợp tác xã Dịch vụ điện nước Lê Thiện (thuộc xã Lê Thiện, huyện An Dương) đã thay chì niêm phong, thay bánh răng bên trong công tơ cơ để trộm cắp điện vào tháng 9/2012. Theo Phòng An ninh kinh tế, Công an TP Hải Phòng: Qua điều tra ban đầu, theo cơ quan giám định, công tơ cơ của xí nghiệp này (đặt tại trạm biến áp Dụ Nghĩa 1 và Dụ Nghĩa 2) đã được thay bằng bánh răng khác, không đúng với chủng loại sản xuất ra. Hợp tác xác này đã phải bồi thường thiệt hại cho bên bán điện 170 triệu đồng.
Một vụ trộm cắp điện khác cũng được cơ quan liên ngành TP Hải Phòng phát hiện vào tháng 9/2012. Ngày 7/9/2012, Công ty Điện lực Hải Phòng phối hợp với các ngành liên quan bắt quả tang Công ty TNHH Nhật Phát (Khu công nghiệp Cầu Vàng 2, huyện An Lão, Hải Phòng) có hành động thay chì niêm phong và tác động vào công tơ điện tử trên lưới điện cao thế 35 kV làm sai lệch để trộm cắp điện. Sau khi ký biên bản thừa nhận hành vi trộm điện, đơn vị này phải bồi thường cho bên bán điện tới 151 triệu đồng để được đóng điện tiếp tục sản xuất.
Đây chỉ là 2 trong số 45 vụ trộm cắp điện trên địa bàn TP Hải Phòng bị phát hiện trong tháng 8, 9/2012, gây thất thoát hàng trăm triệu đồng của ngành điện. Ở các địa phương khác, tình trạng ăn cắp điện cũng thường xuyên diễn ra và đến mức báo động.
Tại Nam Định, năm 2009, Điện lực Nam Định đã xử phạt và truy thu đối với 2 doanh nghiệp có hành vi ăn cắp điện với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Đây được coi là vụ ăn cắp điện bị xử lý với số tiền lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh Nam Định. Qua việc phát hiện đường dây tải điện 370E31 từ trạm 110 kV Trình Xuyên về huyện Ý Yên, qua hơn 100 trạm biến áp cung cấp điện cho khu vực huyện có mức tổn thất điện năng lớn (12%), Điện lực Nam Định đã tổ chức kiểm tra lại tất cả các trạm biến áp. Qua đó phát hiện 2 doanh nghiệp là Công ty đúc Ánh Hồng (thị trấn Lâm) và Công ty Hải Yến (cụm công nghiệp Tống Xá) đều thuộc huyện Ý Yên sử dụng điện năng cao hơn mức chỉ số đồng hồ.
Sau khi lập biên bản, tháo dỡ hộp công tơ điện xuống kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 2 doanh nghiệp trên đã xâm phạm, tác động vào mạch đo đếm của công tơ điện nhằm ăn cắp điện năng. Điện lực Nam Định đã áp dụng các quy định hiện hành phạt vi phạm hợp đồng và truy thu của Công ty đúc Ánh Hồng gần 540 triệu đồng, Công ty Hải Yến phải nộp lại hơn 710 triệu đồng.
Chiêu thay chì niêm phong trong công tơ rất hay được các đối tượng sử dụng để trộm cắp điện. Ngoài ra, còn nhiều chiêu thức tinh vi khác đã và đang được các đối tượng trộm cắp điện vận dụng hòng "qua mắt" các đơn vị quản lý ngành điện. Nhiều chiêu "phẫu thuật" bên trong công tơ như đảo sơ đồ đấu dây, làm chậm vòng quay đồng hồ, chế tạo niêm phong giả... khiến những thợ điện cũng phải ngả mũ kính phục. Theo một lãnh đạo của EVN, các đối tượng trộm cắp điện còn dùng thiết bị để quay ngược công tơ, gắn chíp điện tử vào công tơ để điều khiển từ xa làm cho công tơ đo đếm điện theo ý muốn. Tại địa bàn TP.HCM, gần đây đang phát triển hình thức trộm cắp điện bằng cách sử dụng nam châm có tính từ mạnh đặt bên cạnh công tơ điện.
Đặc biệt, những vụ gian lận gần đây, đối tượng trộm cắp điện đã tìm cách thay đổi cả những tính năng hoạt động của công tơ. Đồng hồ công tơ của ngành điện cấp phát đến hộ dân là 454 vòng quay sẽ ra 1 số điện. Nhưng bằng cách "phẫu thuật" bên trong công tơ, đối tượng trộm cắp có thể điều chỉnh lên đến 900-1.200 vòng mới thành 1 số điện. Các đối tượng trộm cắp điện cũng ngày càng liều lĩnh hơn, không chỉ tác động vào công tơ mạng hạ thế, còn nhắm vào cả công tơ điện tử công nghệ cao của lưới điện cao thế lên đến 35kV. "Nếu đường dây cung cấp điện càng lớn thì lượng điện bị trộm cắp càng nhiều. Riêng việc can thiệp vào công tơ điện tử thì Hải Phòng là nơi đầu tiên phát hiện hành vi vi phạm này", một lãnh đạo Chánh Thanh tra Sở Công thương TP Hải Phòng cho báo giới biết.
Theo EVN, việc xử lý đối tượng trộm cắp điện hiện đang gặp phải rất nhiều khó khăn do các quy định pháp lý chưa đồng bộ. Ví như, các trường hợp khách hàng cắt niêm phong chì, đục lỗ công tơ điện để gian lận điện, nếu không bắt tận tay thì cũng chỉ có thể xử phạt khách hàng về việc không đảm bảo tốt công tơ điện. Các đơn vị điện lực chủ yếu chuyển hồ sơ các vụ trộm cắp điện sang các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử phạt hành chính. Số vụ chuyển hồ sơ sang cơ quan tố tụng đề nghị truy tố rất nhiều nhưng rất ít trường hợp được đưa ra xét xử.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU