Không chỉ cơ sở của bà Thy, trên thực tế, trên thị trường còn nhiều đối tượng tìm mọi cách “thay tên, đổi họ” cho thịt heo thành thịt bò, thịt heo rừng giá cao…
Thịt heo thối + hóa chất = thịt đà điểu, thịt nai
Lợi dụng thực trạng hỗn loạn của thị trường thực phẩm hiện nay, bà Nguyễn Thị Ngọc Thy (quê ở huyện Cần Đước, Long An, hiện ngụ tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) không ngần ngại chế biến thịt heo phế phẩm thành nhiều loại thịt đặc sản rừng để bán kiếm siêu lợi nhuận. Sự thật này chỉ được phát hiện vào ngày 30/6, khi đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh bất ngờ ập vào bắt quả tang và vạch trần sự thật.
|
Thịt heo được “hô biến” thành đặc sản rừng tại cơ sở chế biến của bà Thy. |
Vào chiều 30/6, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh bất ngờ ập vào kiểm tra một căn nhà ở địa chỉ C5 (tổ 199, ấp 4A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh). Theo kiểm tra ban đầu của đoàn, đây là cơ sở hoạt động chế biến sản phẩm động vật trái phép của bà Thy.
Tại hiện trường, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện trong bốn tủ đông lạnh có nhiều khay thịt, bịch nilong chứa thịt. Ngoài bao bì của các sản phẩm này ghi rất rõ là thịt nai, đà điểu, nhím, và 434kg thịt heo. Cũng tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện máy đóng gói mini, lọ đựng hóa chất và vô số bao bì chất thành đống.
Bên ngoài các bao bì này được “khoác” lên không ít lời quảng cáo “có cánh” như: “Thực phẩm của thế kỷ 21”, “thực phẩm của thời đại”, “từ trang trại Khánh Hòa”, “từ trang trại Sóc Trăng”... Chủ cơ sở sản xuất khá tinh vi khi nắm bắt được nhu cầu sử dụng đặc sản rừng của nhiều người dân hiện nay, nên dùng những lời quảng cáo trên trời, đánh lừa lòng tin của khách hàng.
Điều đáng nói là tại cơ sở chế biến này có hàng trăm kg thịt heo, nhưng toàn bộ các bao bì chứa thịt thì không hề có nhãn nào ghi là thịt heo. Riêng bao bì cánh và dạ dày đà điểu, thì có in tên đơn vị sản xuất là công ty TNHH thương mại Khatoco (đường Tô Hiệu, phường Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang). Thế nhưng, chủ cơ sở sản xuất là bà Thy cũng không cung cấp được chứng từ, hóa đơn, cũng như giấy chứng nhận kiểm dịch.
Trao đổi với PV, một cán bộ trong đoàn kiểm tra cho biết, cơ sở chế biến của bà Thy đã tìm cách “phù phép” thịt heo thành các loại thịt đặc sản rừng như: Nhím, nai, đà điểu...
Kết thúc buổi kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh thu giữ các tang vật gồm: 107kg cánh đà điểu, 21kg bao tử đà điểu, 50kg thịt nhím, 5kg thịt nai, 37kg thịt đà điểu, 434 thịt heo cắt lát. Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính với chủ cơ sở và tiến hành niêm phong, lấy mẫu xét nghiệm để tiếp tục xử lý.
Những nguồn cung bí mật, cần bao nhiêu cũng có
|
Bằng công nghệ in ấn + hóa chất trôi nổi, những miếng "thịt thú rừng" này đang đánh lừa người tiêu dùng. |
Sáng 1/7, trao đổi với PV, một cán bộ đoàn kiểm tra liên ngành cho biết: “Ban đầu, chủ cơ sở chế biến này không chịu hợp tác với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trước sự làm việc quyết liệt của cơ quan chức năng, bà Thy khai nhận toàn bộ số thịt heo nói trên được mua từ nhiều nguồn khác nhau.
Sau đó, chủ cơ sở sử dụng bao bì và phụ gia để “phù phép” số thịt heo này thành nhiều đặc sản rừng. Các sản phẩm này sau đó được chia nhỏ, bán cho các mối tiêu thụ ở TP.HCM và các tỉnh lẻ. Riêng các sản phẩm là thịt đà điểu, nhím, nai, bà Thy cho người phân phối cho các quán nhậu, nhà hàng, tiệc cưới.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ có cơ sở chế biến của bà Thy, trên địa bàn TP.HCM hiện nay có không ít người vì muốn trục lợi, tìm cách “hô biến” thịt heo thành nhiều đặc sản rừng, các loại thịt có giá cao hơn. Thâm nhập vào một cơ sở chế biến sản phẩm động vật trên địa bàn huyện Củ Chi, PV phát hiện, để “phù phép” thịt heo thành các loại đặc sản rừng, người chế biến sau khi thái thịt heo thành từng lát, sẽ ướp với nhiều loại gia vị trôi nổi.
Khâu chế biến này giúp cho thịt heo có màu đỏ tươi giống như màu của các loại thịt nhím, nai, đà điểu, heo rừng... Không chỉ vậy, để thịt heo có mùi giống như các loại thịt thú rừng, các chủ cơ sở chế biến còn không ngần ngại “tậu” về các gia vị “vạn năng” nhằm tạo mùi giả cho thịt heo.
Thậm chí, không ít người còn sử dụng vô tội vạ các loại hóa chất không tên tuổi mua từ chợ hóa chất Kim Biên (TP.HCM) về để “phù phép” cho các loại thịt heo thối, bệnh thành những sản phẩm có giá trên trời.
Ngoài việc “hô biến” thịt heo thành sản phẩm đặc sản rừng như nói trên, theo tìm hiểu của PV, nhiều người còn tìm cách biến thịt heo thành thịt bò để bán cho các nhà hàng, quán ăn. Trong vai một khách hàng, PV tìm vào một quán phở bò trên đường Lê Trọng Tấn (quận Bình Tân).
Tại đây, PV phát hiện “thịt bò” được thái, ướp sẵn mà chủ quán dùng để bán cho khách là thịt heo đích thực. Mặc dù vậy, mỗi ngày khách hàng vẫn tìm đến đây ăn nườm nượp và không hề có một phản ứng nào.
Trong vai một khách hàng đang cần nhập các loại thịt đặc sản rừng, PV liên hệ với anh H. (trú tại huyện Hóc Môn, chủ một cơ sở chế biến chuyên “phù phép” thịt heo thành đặc sản rừng).
Anh H. cho hay: “Chị muốn lấy bao nhiêu cũng được vì tại cơ sở của chúng tôi rất đa dạng các nguồn hàng là đặc sản rừng lấy từ các vùng núi. Giá của các đặc sản tại cơ sở của chúng tôi khá mềm, phải chăng và chất lượng luôn luôn được đảm bảo. Cụ thể, thịt nhím có giá là 130.000 đồng/kg, thịt nai 125.000 đồng/kg, thịt lợn rừng 140.000 đồng/kg, thịt đà điểu 150.000 đồng/kg”.
Trong khi đó, theo ghi nhận của PV, giá chính thức của các loại thịt đặc sản rừng trên thị trường hiện nay là: Thịt đà điểu có giá 260.000 đồng/kg, thịt nhím cắt lát 210.000 đồng/kg, thịt nhím hơn 400.000 đồng/kg, thịt heo rừng có giá 170.000 đồng/kg... Được biết, mẫu kiểm dịch đã được gửi đi xét nghiệm để có căn cứ xử lý.
Có thể bị xử phạt lên tới 200 triệu đồng
Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng văn phòng luật Gia Đình) cho biết: Căn cứ theo quy định của Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thì cơ sở bà Thy đã có nhiều hành vi vi phạm như: Chế biến từ thịt heo thành đặc sản rừng, ghi nhãn mác, nhãn hiệu không đúng xuất xứ hàng hoá, hàng hoá không rõ nguồn gốc…
Căn cứ vào quy định trên thì hành vi vi phạm của cơ sở bà Thy, tuỳ mức độ, tính chất, hậu quả cụ thể mà sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt có thể lên tới 200.000.000 đồng nếu là tổ chức và 100.000.000 đồng nếu là cá nhân và có thể bị tịch thu giấy phép.
Người vi phạm còn có thể phải bồi thường theo quy định của luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nếu người tiêu dùng khởi kiện, yêu cầu bồi thường. Ngoài ra, tuỳ tính chất của hành vi, hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà người vi phạm có thể sẽ bị xử lý về mặt hình sự theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự - tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.