“Cò” sách tung hoành, “móc túi” phụ huynh

Google News

(Kiến Thức) -Gần ngày khai giảng, khi phụ huynh nườm nượp mua sách vở cho con cũng là lúc lực lượng “cò” sách vào mùa hoạt động, tung đủ “chiêu” móc túi.

Thời gian này, trước cửa Công ty Sách và Thiết bị xây dựng trường học Hà Nội (Habook), số 45 Lý Thường Kiệt lúc nào cũng có một lực lượng “cò” sách đông đảo "chầu trực".
Đám “cò” này có 5, 6 người, đều là phụ nữ khoảng ngoài 40 tuổi luôn tụ tập ở khu vực gửi xe trên vỉa hè, sát lòng đường Lý Thường Kiệt. Chỉ cần nhìn thấy người nào đi xe chậm lại, có ý định vào hiệu mua sách là cả nhóm “bâu” lại, mời chào đon đả: “Chị cần sách gì chị ơi, chỉ cần nói tên, em chạy vào lấy luôn cho tiện, vài phút là có…” Nhiều người đang vội công việc, có tâm lý ngại vào hiệu sách tìm, lại được “cò” hứa hẹn chỉ lấy tiền chênh bằng tiền gửi xe liền đồng ý mua sách mà không biết mình vừa “sập bẫy”.
 Cò sách đứng ngồi lố nhố tại khu vực trông xe phía trước Habook để "bắt khách". Ảnh: N.Đan
Thực tế, sách của “cò” bán hầu hết đều là sách dởm, in lậu, chất lượng kém, chưa kể “cò” còn dùng những thủ đoạn tinh vi “móc túi” khách hàng. Chẳng hạn, quyển “Hướng dẫn giải bài tập toán lớp 4” chỉ có giá 21.500 đồng nhưng qua tay “cò” biến hóa, giá được nâng lên tới 61.500 đồng. Hay quyển “Mở rộng vốn từ qua ô chữ” dành cho học sinh lớp 5, có giá chỉ 11.000 đồng nhưng có khách đã phải ngậm ngùi trả cho “cò”…71.000 đồng.
Cụ thể, “cò” thường dùng một mảnh giấy nhỏ, có in giá để dán đè lên phần giá niêm yết của nhà xuất bản ở phía sau sách hoặc dùng bút cùng màu, chỉnh sửa các con số giá trên bìa. Nếu người nào không có kinh nghiệm, cứ thế trả tiền rồi đi còn nhận được những lời chào, cái cười thân thiện của “cò”. Còn ai tinh ý, phát hiện “chiêu, trò” này, lập tức bị “dằn mặt” nạt nộ mà vẫn phải trả tiền dù biết mình bị lừa.
Thủ đoạn "biến hóa" giá sách của "cò". 
Chị Nguyễn Thị Dung, ở Phương Liệt, Hà Nội vẫn còn bức xúc khi trở thành “nạn nhân” của “cò” sách. Theo chị Dung, chiều 5/8 vừa qua, lúc đi làm về, chị tạt qua 45 Lý Thường Kiệt mua quyển “Trắc nghiệm toán lớp 4” cho con. Do đang có việc gấp nên chị đồng ý mua sách của “cò”. Khi mang sách ra, bị “cò” hét giá 46.000 đồng nhưng do biết sách này chỉ có giá 16.000 đồng nên chị Dung không đồng ý trả tiền. Vừa định quay xe đi thì lập tức chị bị cả hội của “cò” quây lại. “Em nhờ, chị mới bỏ tiền ra mua hộ chứ có phải sách của chị bán đâu, mang sách ra em lại không mua nữa thì ai trả tiền cho chị?”, một “cò” trong đám nói. Lằng nhằng một hồi, không muốn rắc rối nên chị Dung đành móc ví trả 46.000 đồng.
“Chả khác gì cướp giữa ban ngày. Dù chỉ có vài chục nghìn nhưng cũng không thể chấp nhận được. Đã thế, mang sách về nhà, phát hiện ra sách lậu tôi lại càng bức xúc”, chị Dung nói.
 Cò đang "bâu" lấy một vị khách.
Trắng trơn hơn trường hợp của chị Dung, một phụ huynh khác mua quyển sách có giá 180.000 đồng của “cò”, chị này đưa tờ 200.000 đồng nhưng “cò” nhất định không trả lại 20.000 đồng với lý do còn phải…chia nhau. “Em nhìn bọn chị cả nhóm thế này, mua hộ em quyển sách lấy có 20.000 đồng, chia ra, mỗi người được vài nghìn bạc, đáng là bao”, một “cò” nói giọng thông cảm. Dù vị khách này không đồng ý nhưng “cò” vẫn thản nhiên “nuốt” 20.000 đồng như không.
Theo một người dân sống ở khu vực gần nhà sách Habook, không phải năm nay, “cò” sách mới xuất hiện mà đám người này gần như đã hoạt động “chuyên nghiệp được mấy năm. Đến hẹn lại lên, khoảng giữa tháng 6 khi chuẩn bị bước vào năm học mới là họ bắt đầu hoạt động. Không ít phụ huynh đã từng “cống” tiền cho “cò”, phần lớn đều vì tâm lý gấp gáp, “ngại” vào cửa hàng tìm sách, số ít còn lại là vì không tìm được sách cần trong hiệu nhưng “cò” lại có.
Nguyên Đan

Bình luận(0)