Rừng hạt dẻ nói trên nằm ở xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Mùa hạt dẻ rụng bắt đầu từ tháng 10-11 (dương lịch) hàng năm, trùng khớp với mùa nông nhàn, nên hàng trăm người dân ở Quảng Lưu và các vùng lân cận lại kéo nhau đi nhặt… “của rơi” (hạt dẻ).
|
Một người dân đang tìm nhặt... của rơi (hạt dẻ).
|
Khi chúng tôi đến cũng là lúc một số người dân đang cười nói rôm rả, trên vai mang vác một bao tải nặng trĩu hạt dẻ bước ra khỏi rừng.
Từng nhiều lần ăn hạt dẻ nhưng đến hôm nay, chúng tôi mới thực sự biết được cách làm thế nào để người ta có thể hái được hàng bao tải cái thứ hạt nhỏ như đầu ngón tay này?.
Theo một người đi hái dẻ giải thích, cây dẻ ra hoa vào mùa đông rồi phát triển thành quả, cho đến mùa thu hạt dẻ mới bắt đầu chắc thịt, cứng vỏ.
Khi quả đã chín hoặc gặp mưa thì lớp vỏ bên ngoài sẽ nứt, rơi hạt xuống đất. Những người đi nhặt hạt dẻ sẽ tìm nhặt những hạt rụng xuống đất đó.
|
Một người dân đang rung cây cho hạt dẻ rơi xuống đất để nhặt.
|
“Có rất nhiều cách để nhặt được nhiều hạt dẻ, thông thường chúng tôi chỉ cần rung mạnh vào thân cây cho hạt rụng thêm xuống để nhặt. Công việc này không có gì nặng nhọc, nhưng đổi lại phải chăm chỉ và nhanh tay, nhanh mắt”, anh Nguyễn Văn Quang, xã Quảng Lưu cho biết.
Được hỏi về công việc bán thời gian của mình, chị Đặng Thị Như (thôn Vân Tiền) chia sẻ: “Đã thành thói quen, cứ đến tháng 10-11 hàng năm, người dân chúng tôi lại vào rừng nhặt hạt dẻ. Nhờ có như vậy, chúng tôi mới có thêm đồng ra, đồng vào để đắp đổi những ngày giao vụ”.
|
Trung bình mỗi người nhặt được khoảng 10kg hạt dẻ/ngày.
|
Theo tìm hiểu, trung bình mỗi người nhặt được khoảng 10kg hạt dẻ/ngày, người dân không phải đi bán mà có thương lái đến thu mua ngay tại rừng.
“Giá cả hạt dẻ lên xuống theo từng năm. Như những năm ít quả thì giá giao động khoảng 30 nghìn/1kg, nhưng năm nay, cây sai quả, nhiều người đi nhặt thì giá hạ xuống chỉ còn 20 nghìn/1kg. Như vậy, tính sơ sơ, vào mùa dẻ rụng, mỗi người dân chúng tôi cũng “kiếm” được ít nhất từ 200 – 300 nghìn đồng mỗi ngày”, chị Như chia sẻ.
Công việc mang tính chất thủ công, nên ngoài người lớn còn có rất nhiều trẻ em tham gia. “Tranh thủ những buổi được nghỉ học, cháu lại theo mẹ và các chị vào rừng nhặt hạt dẻ. Với số tiền bán được, cháu có thể phụ giúp mẹ mua sách vở, quần áo mới…”, một em học sinh theo mẹ vào rừng hái dẻ vui vẻ cho biết.
|
Hai mẹ con vui vẻ mang hạt dẻ ra khỏi rừng.
|
Theo thống kê của UBND xã Quảng Lưu, sản lượng hạt dẻ của người dân mỗi năm trung bình khoảng 100 – 120 tấn, với mức giá bình quân 20.000/kg đã mang lại nguồn thu hơn 2 tỷ đồng cho người dân toàn xã.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ có người dân xã Quảng Lưu mà còn hàng trăm người dân ở các xã lân cận cũng vào rừng nhặt.. của rơi, vì vậy thực tế số lượng còn lớn hơn nhiều.
|
Hạt dẻ được thu gom mang về xuôi tiêu thụ.
|
Anh Cao Hoài Nam đến từ xã Quảng Tiến cho biết: "Mặc dù ở xã khác, nhưng đến mùa, tôi vẫn tranh thủ vào rừng nhặt hạt dẻ. Nhờ công việc này, một tháng tôi cũng có thể kiếm được từ 5-7 triệu đồng phụ giúp chi tiêu trong gia đình”.
"Để có rừng hạt dẻ xanh ngút tầm mắt như ngày hôm nay là cả một quá trình gian nan của cấp chính quyền và người dân ủng hộ. Và rừng đã không phụ lòng người, ngoài ý nghĩa về mặt sinh thái, rừng còn giúp người dân thu về tiền tỷ từ công việc nhặt hạt dẻ”, ông Biền Ngân, Chủ tịch kiêm Bí thư xã Quảng Lưu phấn khởi cho biết.