Hội nghị do Bộ TT&TT đã giao Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) xây dựng và triển khai, nằm trong chuỗi sự kiện lớn hơn, chuyên sâu về Internet - VNNIC Internet Conference hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển Internet Việt Nam an toàn, bền vững.
Sự kiện thu hút, kết nối hơn 400 lãnh đạo, đông đảo chuyên gia, kỹ sư internet trong và ngoài nước thảo luận về cơ hội, thách thức, giải pháp, ứng dụng công nghệ, định hình chiến lược phát triển an toàn, bền vững hạ tầng internet cũng như định hướng phát triển hạ tầng internet trong kỷ nguyên mới.
|
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại sự kiện. |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, kể từ thời điểm chính thức kết nối với Internet toàn cầu vào năm 1997, Internet Việt Nam đã phát triển như vũ bão, lớn hơn về quy mô, nhanh hơn về kết nối, hiện đại hơn về công nghệ. Từ một mạng độc lập duy nhất, đã phát triển lên tới gần 1000 mạng có IP và số hiệu mạng độc lập kết nối với nhau. Tỷ lệ chuyển đổi sử dụng địa chỉ Internet mới IPv6 đạt 60% thuộc top 10 quốc gia cao nhất toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện nay, sự phát triển, cải tiến của công nghệ Internet diễn ra ngày càng mạnh mẽ, gắn với các công nghệ mới như Internet of Things (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing), Trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, 5G/6G, Cloud, dữ liệu lớn (big data)... Internet được chuyển đổi sang thế hệ mới hoạt động với IPv6; Kết nối Internet được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, trở thành Internet của vạn vật (Internet of Things).
Việt Nam cần thay đổi, cải tiến, tương thích với sự phát triển của các công nghệ mới nhưng phải đảm bảo sự an toàn, bền vững để đáp ứng sự phát triển của các dịch vụ Internet, công nghệ mới, hạ tầng Internet. Đây chính là nền tảng từ gốc của sự phát triển.
Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam Nguyễn Hồng Thắng cho biết, sự phát triển an toàn, bền vững của hạ tầng internet cần sự chung tay, hợp tác của cả cộng đồng kỹ thuật và các bên trong hệ sinh thái internet. Hội nghị thường niên về internet là diễn đàn về công nghệ, kỹ thuật chuyên sâu, định hình nên bức tranh tương lai internet Việt Nam lớn hơn, nhanh, an toàn và phẳng hơn.
Hạ tầng viễn thông là tầng đáy, phía trên là hạ tầng internet, hạ tầng số và cao hơn là hạ tầng chuyển đổi số. Internet là một hạ tầng quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển dữ liệu số, công nghệ số và chuyển đổi số.
Để đáp ứng được nhu cầu phát triển của công nghệ phục vụ xã hội, internet được chuyển đổi sang thế hệ mới hoạt động với IPv6, là giao thức internet được thiết kế để khắc phục những hạn chế của phiên bản IPv4. Đây là một cơ sở để kết nối internet được thực hiện mọi lúc mọi nơi, trở thành internet của vạn vật.
|
Các diễn giả trong nước và quốc tế tại phiên tọa đàm. |
Tại hội nghị, các diễn giả đã giới thiệu nhiều ứng dụng, giải pháp, công nghệ mới trong quản lý, phát triển hạ tầng internet; đánh giá, giám sát, đo lường và khai thác dữ liệu phục vụ việc xây dựng hạ tầng số, chuyển đổi số quốc gia; hạ tầng internet, công nghệ mới (IPv6, 5G, 6G, AI…).
Qua sự kiện, cộng đồng internet Việt Nam được học hỏi, kết nối, hợp tác với các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực internet, công nghệ thông tin hàng đầu thế giới.
Bên lề hội thảo là triển lãm về công nghệ, sản phẩm liên quan đến internet và khu vực hoạt động dành cho sinh viên trải nghiệm, ứng dụng, khai thác giá trị, tài nguyên internet, tên miền quốc gia “.vn” trong học tập, khởi nghiệp. Chiều 7/6 diễn ra các phiên hội thảo chuyên đề về: Hạ tầng internet và các công nghệ mới; Tin cậy, an toàn trong hoạt động internet và Cuộc họp hội đồng IPv6 Forum khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Từ thời điểm chính thức kết nối với toàn cầu năm 1997, internet Việt Nam đã phát triển nhanh, lớn hơn về quy mô, nhanh hơn về kết nối, hiện đại hơn về công nghệ. Từ một mạng độc lập duy nhất, internet đã phát triển lên tới gần 1.000 mạng có địa chỉ internet (IP) và số hiệu mạng độc lập kết nối với nhau.
Hiện nay, tỷ lệ chuyển đổi sử dụng địa chỉ internet mới - giao thức internet thế hệ 6 (IPv6) của Việt Nam đạt khoảng 60%, thuộc nhóm 10 quốc gia cao nhất toàn cầu. Mục tiêu của Việt Nam là sẽ chuyển đổi thành công IPV6 vào năm 2030.