Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành quyết định phê duyệt danh sách các doanh nghiệp mà Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) muốn rút vốn thương hiệu. Theo đó, 105 doanh nghiệp sẽ không còn mang thương hiệu Vinashin trong quá trình tập đoàn này tái cơ cấu để trở lại mô hình Tổng công ty. Trong số 105 doanh nghiệp có 51 công ty có thể thực hiện rút vốn ngay bởi những đơn vị này có tình hình tài chính không phức tạp, không vay nợ Vinashin hoặc không có tài sản lớn. Số doanh nghiệp còn lại cần xem xét phân tích tình hình tài chính, tài sản, lợi thế, công nợ trước khi tiến hành rút vốn.
Trong số 105 công ty mà Vinashin từng góp vốn bằng thương hiệu, có nhiều doanh nghiệp không hoạt động trong ngành đóng tàu, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ điện, thương mại, thậm chí là chế biến thực phẩm.
Việc rút vốn của Vinashin nằm trong kế hoạch tái cơ cấu được tiến hành trong suốt 3 năm qua, nhằm kết thúc mô hình tập đoàn sau 7 năm tồn tại. Các cơ quan liên quan cũng đang gấp rút xem xét các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc cuối cùng của quá trình tái cơ cấu này.
|
Vinashin sắp sửa trở lại mô hình Tổng công ty. Ảnh: Internet. |
Trao đổi với
Kiến Thức về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường nhận định: Thời điểm 2007-2008 là giai đoạn phát triển nóng của thị trường bất động sản. Vào thời điểm này, không chỉ các doanh nghiệp nhà nước mà ngay cả các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng tham gia đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Không chỉ góp vốn vào bất động sản, các tổng công ty nhà nước còn đầu tư tràn lan vào các lĩnh vực kinh doanh khác.
Tiền được rải khắp nơi dẫn tới việc đầu tư không mang lại hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp. Khi nguồn tiền đi chệch hướng, đi sai lệch, nhiều doanh nghiệp phải đương đầu với tình trạng nợ xấu. Doanh nghiệp sẽ mất kiểm soát trong kinh doanh, nợ nần chồng chất và đứng trên bờ vực phá sản. Tình trạng này của các doanh nghiệp là bài toán khó với các cơ quan nhà nước.
Theo GS Đặng Hùng Võ, động thái trên của Vinashin cho thấy tập đoàn này đang gấp rút thực hiện quá trình tái cơ cấu. Nếu việc rút vốn diễn ra thuận lợi và nhanh chóng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Vinashin. Việc rút vốn này sẽ giúp Vinashin quản lý được hoạt động kinh doanh một cách tốt nhất với việc tập trung đầu tư vào ngành nghề chủ đạo. Từ đó tăng thêm hiệu quả cho việc đầu tư và tránh vốn khỏi nợ xấu. Nếu việc rút vốn thành công thì quá trình tái cơ cấu tập đoàn sẽ diễn ra nhanh chóng hơn.
GS Đặng Hùng Võ phân tích: Trong 105 doanh nghiệp mà Vinashin rút vốn có những doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản. Vinashin rút vốn khỏi những doanh nghiệp này sẽ khiến họ càng khó khăn gấp nghìn lần khi mà lĩnh vực bất động sản đã đóng băng trong thời gian quá lâu.
Còn đối với những doanh nghiệp được thành lập ra và chỉ chờ vào dòng vốn của Vinashin để hoạt động thì việc rút vốn cũng là một trở ngại lớn. Bản chất của những doanh nghiệp này là hứng vốn để kinh doanh, cho nên cần xem xét lại tình hình tài chính, tài sản để quyết định xem nên giải thể hay sáp nhập các doanh nghiệp này.
Đối với các doanh nghiệp độc lập, tức là kinh doanh ở những lĩnh vực khác bất động sản và Vinashin chỉ góp vốn bằng thương hiệu thì việc rút vốn của Tập đoàn này không gây bất lợi gì cho những doanh nghiệp như vậy.
Trong thời gian qua, lãnh đạo các bộ ban ngành đã gấp rút trong việc tái cơ cấu Vinashin. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Đinh La Thăng cũng có nhiều cuộc họp nhằm giải quyết vướng mắc trong việc rút vốn thương hiệu, sáp nhập, giải thể các doanh nghiệp không nằm trong mô hình mới của Vinashin.
Tại cuộc họp diễn ra ngày 18/7 vừa qua do Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì, Quyền Tổng Giám đốc Vinashin Vũ Anh Tuấn cho biết: theo Quyết định số 2108/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn sẽ giữ lại Công ty mẹ và 42 đơn vị làm nòng cốt sau tái cơ cấu.
Đối với 216 đơn vị không giữ lại trong mô hình Tập đoàn, sẽ thực hiện tái cơ cấu theo các hình thức: Rút vốn thương hiệu; Sáp nhập; Bàn giao chuyển về đơn vị khác; Giải thể; Chuyển nhượng phần vốn góp của Tập đoàn tại các công ty; Chuyển chủ sở hữu, quyền đại diện vốn.
Đến nay, Tập đoàn đã thực hiện tái cơ cấu được 43/216 doanh nghiệp. Cụ thể: Rút vốn 14 đơn vị (theo hình thức chuyển nhượng phần vốn góp bằng giá trị thương hiệu Vinashin); Giải thể 14 đơn vị; Chuyển nhượng phần vốn góp 12 đơn vị; Bàn giao, chuyển chủ sở hữu, quyền đại diện vốn 3 đơn vị.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, việc rút vốn ở các doanh nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc. Trong trường hợp Vinashin muốn rút vốn thương hiệu theo hình thức giảm vốn điều lệ tại các công ty cổ phần thì cần 2 điều kiện: Đó là phải có sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông và công ty phải cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ, các nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn.
Tuy nhiên, hiện việc này đã được nhiều bộ, ngành và địa phương chung tay tháo gỡ nên Vinashin sẽ dựa trên tình hình thực tế của doanh nghiệp để chủ động cân đối giữa việc giải thể, phá sản và sáp nhập các đơn vị, gỡ khó cho cả Tập đoàn và các đơn vị thành viên.