Thông tin Vinashinlines sẽ phá sản trong thời gian tới thực sự không gây sốc dư luận. Bởi lẽ, với số nợ khổng lồ mà công ty này đang gánh thì việc phá sản công ty chỉ còn là vấn đề thời gian.
Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương được thành lập vào tháng 8/2000 với tên giao dịch quốc tế là Vinashinlines. Công ty này trước đây thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Tháng 7/2010, công ty này được chuyển sang cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), khi Chính phủ tiến hành cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin.
|
Tàu Hoa Sen - một trong những con tàu "tai tiếng" của Vinalines |
Vinashinlines hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải biển, đồng thời phát triển nguồn hàng hóa và đường giao thông đến các vùng biển khác nhau trên thế giới như Đông Nam Á, Bắc Á, Ấn Độ, Châu Âu, Mỹ... Vinashinlines cũng giới thiệu có đội ngũ nhân viên có trình độ và chuyên nghiệp cao về vận chuyển hàng hóa với nhiều năm kinh nghiệm ở tất cả các phạm vi công việc, khoa học và có kỹ năng ngôn ngữ.
Tính đến tháng 12/2005, Vinashinlines điều hành 10 tàu vận chuyển hàng hóa các loại khác nhau, bao gồm cả tàu chở dầu, tàu chở hàng khô, đa mục đích tàu.
Vinashinlines đã đầu tư hơn 200 triệu USD (khoảng 3.136 tỷ đồng) để mua về tới 6 con tàu có tuổi từ 22 đến 26 năm trong số 9 tàu của công ty này. Tuy nhiên, hầu như các con tàu này hiện đã hỏng hóc, không chạy được do bị bắt giữ tại các cảng trong và ngoài nước. Nguyên nhân khiến các tàu bị bắt giữ là do Vinashinlines còn nợ rất nhiều tiền với các đối tác nước ngoài.
Riêng tàu Hoa Sen là loại tàu ro-pax (tàu chở xe và hành khách) trọng tải 7.550 DWT, cao 7 tầng và có sức chứa 500 ôtô 4 chỗ, 70 xe tải, 160 xe container 40 feet cùng gần 640 hành khách. Tàu được đóng năm 2001 và được Vinashin mua lại từ Italia vào cuối năm 2007 với giá 60 triệu euro (tương đương gần 1.300 tỷ đồng tính theo tỷ giá lúc đó) nhằm chuyên chở hàng hóa, khách du lịch trên tuyến Bắc - Nam. Tuy vậy, chỉ sau 40 lần hải hành với trục trặc, Vinashin đã phải cho dừng hoạt động con tàu từ đầu năm 2009 do thua lỗ, kém hiệu quả. Năm 2010, tàu Hoa Sen được chuyển giao cho Vinalines.
Hiện, tàu Hoa Sen đang nằm an toàn tại một cảng biển của Trung Quốc với 9 thuyền viên giữ tàu. Các thuyền viên vẫn được cung cấp đầy đủ tiền ăn, tiền sinh hoạt nhưng chưa được về nước đến khi bán được tàu.
Tàu Cái Lân 4 có trọng tải 8.732 DWT là con tàu duy nhất trong số 7 tàu được đóng tại Việt Nam năm 2006. Tàu bị bắt giữ tại cảng Kolkata, Ấn Độ từ tháng 1/2012 và 22 thuyền viên đang mắc kẹt tại đây. Tòa án Ấn Độ bắt giữ tàu Cái Lân 4 với lý do Vinashinlines nợ tiền một nhà cung cấp dầu tại Singapore. Thủy thủ đoàn cho biết đã nhiều lần liên lạc về Việt Nam, yêu cầu Vinashinlines giải quyết nhưng chưa nhận được hỗ trợ.
Theo thống kê của Cục Hàng hải, tính đến đầu năm 2013, đội tàu của Vinashinlines có tổng cộng 7 chiếc đang neo đậu dài ngày tại nước ngoài với khoảng 100 thủy thu mắc kẹt. Hàng tháng họ vẫn nhận được khoản tiền hỗ trợ của Vinalines, có khi đúng hạn, có khi chậm, nhưng điều kiện sống vẫn rất khó khăn.
Theo chỉ đạo của Chính phủ thì Vinalines phải hoàn tất việc bán tàu vào tháng 6 năm nay, tuy nhiên chỉ có duy nhất một con tàu được bán là New Phoenix. Lãnh đạo của Vinalines cho báo giới biết, hiện các chủ nợ đã đồng ý chấp nhận chia sẻ những khó khăn, tổn thất và tháo lệnh bắt giữ tàu. Vinalines cũng đã tìm được một số khách hàng mua tàu nhưng quan điểm của Vinalines và Chính phủ là không được bán tống bán tháo các tàu.
Năm 2010, tổng sản lượng vận tải biển đạt 37,1 triệu tấn, trọng tải đội tàu biển Vinalines đạt 3,45 triệu tấn, là đội tàu lớn thứ 87 trên thế giới, doanh thu đạt gần 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1.241 tỷ đồng. Năm 2011, Vinalines vận chuyển khoảng 43,3 triệu tấn hàng hóa, đạt doanh thu 22.500 tỷ đồng.