Báo Le Figaro nhận định, sau 12 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc vẫn hành động theo luật lệ riêng của mình trên trường quốc tế.
Báo này nhắc lại một số vụ tranh cãi gần đây giữa Châu Âu và Trung Quốc. Ngày 4/6 vừa qua, Châu Âu tuyên bố đánh thuế pin mặt trời của Trung Quốc và lên án nước này đã trợ giá cho các công ty nhằm phá giá thị trường. Ngay sau đó, Trung Quốc trả đũa bằng việc đánh thuế lên rượu nhập khẩu từ Châu Âu. Trung Quốc còn đe dọa đang nắm trong tay “các con bài khác” và đó chính là mặt hàng xe hơi cao cấp của châu Âu.
Ngoài ra, Trung Quốc còn tăng cường quốc tế hóa các công ty của mình. Tân Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc không ngại đe dọa rằng “không ai cần đầu tư vào một quốc gia nếu họ không được hoan nghênh” và nếu phát hiện ở nước đó có một số biểu hiện của chính sách bảo hộ. Năm ngoái, ngoài lĩnh vực tài chính, Trung Quốc đã đầu tư 60 triệu euro ở nước ngoài. Năm 2012, so với các châu lục khác, Trung Quốc đầu tư nhiều nhất vào châu Âu (33%) và quan tâm đến ngành năng lượng. Đồng thời, Bắc Kinh còn tận dụng mua công nghệ và kỹ năng để các công ty Trung Quốc có thể phát triển sau đó.
|
Báo Pháp đặt câu hỏi: "Trung Quốc đang thâu tóm nền kinh tế toàn cầu?" Ảnh minh họa.
|
Báo
Le Figaro điểm lại một số vụ thâu tóm lớn gần đây của Trung Quốc đối với các công ty trên thế giới như vụ tập đoàn Sông Hối (Trung Quốc) mua lại tập đoàn thực phẩm Smithfied Food của Mỹ hay các vụ thâu tóm công ty của Pháp như Justin Bridou, Cochonou.
Để mở rộng hơn ra thị trường Châu Âu, tập đoàn xe hơi Trung Quốc Great Wall Motors đã chọn đặt nhà máy tại Bulgaria. Việc làm này chính là một phương tiện khẳng định sức mạnh của Trung Quốc trên thế giới.
Trung Quốc không muốn dựa hoàn toàn vào xuất khẩu như trước, mà ưu tiên kích thích sức tiêu thụ nội địa hơn là trở thành công xưởng của thế giới. Chính phủ Trung Quốc nhắm đến một nền kinh tế vĩ mô “ổn định”, củng cố nhu cầu tiêu thụ của người dân trong nước. Trước những bất bình đẳng giàu nghèo đang gia tăng giữa các vùng miền, chính phủ muốn tránh một sự bùng nổ trên đất nước. Bằng chứng là năm ngoái, lương bổng trong lĩnh vực tư nhân tại khu vực thành thị đã tăng đến 17,1%. Đây là biện pháp mà chính phủ mong muốn nhằm tăng sức tiêu thụ của người dân.
Hiện nay, Trung Quốc không còn đóng vai trò là công xưởng của thế giới. Về vấn đề này, quan điểm của chính phủ Trung Quốc rất rõ ràng. Nếu các công ty nước ngoài nhắm đến thị trường nội địa Trung Quốc sẽ rất được hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu mục đích là sản xuất tại Trung Quốc để xuất khẩu thì nên sản xuất tại các nước khác như Việt Nam, Lào hay Campuchia.
Cuối cùng, để áp đặt tầm ảnh hưởng kinh kế của mình trên thế giới, Trung Quốc vẫn giữ vũ khí chính của mình là đồng nhân dân tệ. Trung Quốc tự ấn định tỷ giá của đồng nhân dân tệ, mà không tuân theo quy tắc cung-cầu trên thị trường như đồng đô la Mỹ hay euro của Châu Âu. Trong các hoạt động giao thương quốc tế, Trung Quốc luôn dùng đồng nội địa của mình để trao đổi để khẳng định sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình.
Le Figaro nhận định, Trung Quốc đang mong đợi đồng nhân dân tệ trở thành đơn vị tiền tệ trao đổi thứ ba trên thế giới cùng với đồng đô la Mỹ và euro.
BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU