Sau hàng loạt những bê bối trong thời gian qua như vé xe trong gà rán, nước uống nhiễm khuẩn, gà rán có biểu hiện nấm mốc, cung cấp đồ ăn gây ngộ độ thực phẩm,… nhiều khách hàng tỏ ra hoang mang, lo lắng khi đã từng sử dụng đồ ăn tại của Lotteria Việt Nam. Mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhiều lần trong đó lần phạt cao nhất là gần 150 triệu đồng thế nhưng tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại Lotteria vẫn tiếp tục diễn ra.
Điều đó khiến người tiêu dùng nghi ngại đặt câu hỏi: Phải chăng Lotteria cậy mình là một thương hiệu lớn mạnh nên coi thường sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam? Hay tại vì chế tài xử phạt của ta chưa đủ sức nặng? Số tiền phạt không hề hấn gì so với lợi nhuận mà Lotteria nên không đáng để thương hiệu này đưa vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như sức khỏe của người Việt đặt lên bàn cân?!
Để tìm hiểu rõ hơn trách nhiệm của Lotteria đối với khách hàng và các biện pháp chế tài xử lý khi thương hiệu này để xảy ra những vụ việc trên, báo điện tử Kiến Thức đã có cuộc trao đổi nhanh với Luật Sư Quản Văn Hào - Công ty Luật TNHH An Nam.
|
Vụ việc gần đây nhất là phát hiện miếng gà rán có phiếu gửi xe bên trong. |
Ngoài xử phạt hành chính Lotteria có phải chịu các chế tài khác
Theo luật sư Hào, Lotteria có thể phải chịu trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự khi sử dụng thực phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Luật sư Hào cho biết, theo quy định của pháp luật cấm kinh doanh thực phẩm biến chất, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng, hành vi sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm,...Các hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, vi phạm quy định về điều kiện đảm bảo an toàn đối với sản phẩm là thực phẩm đều bị xử lý nghiêm.
Việc liên tiếp để xảy ra các vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm khiến khách hàng hoang mang lo sợ, ngoài việc xử phạt hành chính Lotteria có phải chịu các chế tài khác như: chịu các hình phạt bổ sung, chịu các biện pháp khắc phục. Cụ thể:
Đối với các hình phạt bổ sung: theo quy định tại Điều 3, Nghị định 178/2013/NĐ-CP thì cơ sở của Lotteria còn có thể phải chịu hình thức thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Đối với các biện pháp khắc phục: Lotteria phải khắc phục hậu quả khi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm như việc chịu trách nhiệm đối với sức khỏe của khách hàng: Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm hay hoàn trả lại tiền cho khách hàng (Điều 3, Nghị định 178/2013/NĐ-CP) và bồi thường thiệt hại cho khách hàng khi thực phẩm của mình sản xuất chế biến không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm gây thiệt hại (Theo Điều 6 Luật an toàn thực phẩm năm 2010).
Bên cạnh đó, công ty này còn phải chịu toàn bộ chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ công tác điều tra nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm (Điều 48 Luật An toàn thực phẩm 2010).
Ngoài ra theo Điều 244 Bộ Luật Hình sự người trực tiếp chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự khi với mức cao nhất của khung hình phạt là 15 năm tù. Bên cạnh đó còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe
Cũng theo luật sư Hào, với những hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm của Lotteria, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật, tuy nhiên do hệ thống pháp luật hiện hành về vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, hạn chế, chế tài chưa đủ răn đe. Phần lớn các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức (căn cứ Nghị định 178/2013/NĐ-CP) chứ không thể khởi tố vụ án hình sự.
Luật sư Hào phân tích, trong trường hợp của Công ty TNHH Lotteria Việt Nam đã có nhiều vi phạm bị phạt cao nhất trong thời gian qua là 146 triệu đồng. Với mức xử phạt như vậy, có thể thấy chế tài xử phạt quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe đối với một công ty lớn.
Một điểm đáng chú ý nữa là Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ áp dụng với cá nhân, nên trong trường hợp này Lotteria là tổ chức có hành vi vi phạm, thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Lotteria không thể thực hiện được, mà nếu có truy cứu được cá nhân vi phạm thì vì việc áp dụng cũng rất khó.
Bởi theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì yếu tố “gây hậu quả nghiêm trọng” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mức độ “nghiêm trọng” được thể hiện ở chỗ “gây thiệt hại cho tính mạng” hoặc “gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng”. Song hầu hết khi sử dụng thực phẩm bẩn đều gây ảnh hưởng về lâu dài, chứ không phát tác, gây chết người ngay và việc giám định mức độ ảnh hưởng sức khỏe do sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng nên rất khó để áp dụng xử lý hình sự.
Để hạn chế nhưng vụ việc tương tự trên, thiết nghĩ, các quy định của pháp luật cần phải được quy định chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn để đủ sức răn đe đối với những vụ việc vi phạm của Lotteria nói riêng và các tổ chức, các nhận vi phạm khác nói chung.
Luật sư Hào cũng co biết thêm, sắp tới đây, bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016) đã đặt ra các chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ và khả thi hơn quy định tại Điều 317 về tội “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Theo đó mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với tội danh này là 20 năm tù và tăng mức phạt tiền tối đa từ 15 triệu đồng lên 2 tỷ đồng.
Riêng với pháp nhân, nếu vi phạm quy định trên có thể bị phạt tối đa 7 tỷ đồng hoặc bị cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định; bị cấm huy động vốn; bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài hình phạt tù, phạt tiền, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Như vậy, mọi tổ chức, cá nhân chỉ cần có hành vi vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm như quy định nêu trên sẽ bị xử lý hình sự, mà không cần có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điều này sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, có hại cho người tiêu dùng trong thời gian tới.