“Quăng” 10.000 tỷ xây nhà hát: Công tử Bạc Liêu tái xuất?

Google News

Một gia đình nghèo, có chút ít tiền dành dụm hay vay mượn được, thì phải tính toán thật sát sao để chi tiêu cho hợp lý.

 Một quốc gia cũng vậy, Việt Nam đi vay "mướt mồ hôi", vậy mà ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) lãng mạn như con "đại gia", hết đăng cai ASIAD 18 lại sang đề án 10.000 tỷ đồng xây nhà hát.
Mới đây, Bộ VH-TT&DL tổ chức góp ý để hoàn thiện Dự thảo "Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030". Theo đó, 10.800 tỷ đồng sẽ dành cho việc xây mới, nâng cấp các rạp hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, nhiều người "phát hoảng" vì đề án đầy tham vọng này. Bởi các công trình hiện có vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả và đang bị xuống cấp trầm trọng.
"Phát hoảng" vì quá tham vọng
Theo Đề án, khoảng 71 nhà hát trên cả nước sẽ được đầu tư xây mới hoặc cải tạo, đại tu. Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.HCM được coi là 3 trọng điểm đầu tư xây dựng các nhà hát, các trung tâm chiếu phim có sức chứa 2.000 - 3.000 ghế.
Đồng thời, xây mới 40 nhà hát có quy mô lớn từ 1.000 - 2.000 ghế tại các tỉnh chưa có nhà hát trung tâm và các thành phố là trung tâm vùng, trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn. 20 nhà hát bị xuống cấp hư hỏng cũng sẽ được nâng cấp, cải tạo, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật.
Cũng theo Đề án này, tổng số rạp chiếu phim cần nâng cấp và xây dựng mới trên toàn quốc là 106 rạp. Cụ thể, xây mới 2 trung tâm điện ảnh đa năng tại Hà Nội và Tp.HCM với quy mô khoảng 1.500 ghế, mỗi cụm rạp có từ 8 - 10 phòng chiếu và có thể bố trí một số rạp chiếu phim công nghệ 3D, 4D và các dịch vụ văn hóa tổng hợp khác, bảo đảm có thể tổ chức liên hoan phim quốc tế và trong nước.
Nhiều nhà văn hóa chỉ dùng để làm nơi tổ chức tiệc cưới.
Ngoài ra, Đề án này nêu rõ, tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội, Tp.HCM sẽ đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa có quy mô lớn, hiện đại đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế.
Tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2012 - 2020 dự kiến là 10.800 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chi 6.500 tỷ đồng (chiếm 60,2%), còn các nguồn huy động khác 4.300 tỷ đồng (chiếm 39,8%).
Giám đốc một nhà hát tên tuổi ở Hà Nội cảnh báo Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội có sức chứa 3.000 chỗ nhưng hiện mỗi tháng chỉ có được 1 - 2 buổi biểu diễn; Cung Tiên Sơn, Tp.Đà Nẵng có sức chứa 7.000 chỗ cũng không mấy khi được sử dụng. "Vậy mà bây giờ Bộ VH-TT&DL lại "vẽ" ra việc xây nhà hát ngàn chỗ để rồi 1 tháng sáng đèn 1 - 2 buổi cầm chừng là không phù hợp. Ngân sách nhà nước không có nhiều để phung phí cho những việc như thế", người trong ngành này nói.
Văn hóa là tinh thần, kinh tế là chủ đạo
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều bộ, ngành đã có buổi làm việc với Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bạc Liêu liên quan các vấn đề đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Trong không khí lễ hội Đờn ca tài tử đang diễn ra tại địa phương, ông Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, hào hứng cho biết tỉnh sẽ chọn phương châm "Bạc Liêu đi lên từ văn hóa". Trong các công trình Bạc Liêu đề xuất Chính phủ và các bộ ủng hộ đầu tư có Nhà hát Cao Văn Lầu, Khu lưu niệm Đờn ca tài tử…
Tuy nhiên, Thủ tướng đề nghị chính quyền tỉnh Bạc Liêu phải lấy kinh tế làm trung tâm, trong đó phải bảo đảm các khâu từ quy hoạch, hạ tầng, giống, sản xuất, chế biến và tiêu thụ: "Văn hóa là nền tảng tinh thần nhưng kinh tế phải là chủ đạo. Nghèo quá, nhà không có điện thì làm sao mà hát được các đồng chí. Đờn ca tài tử không phải hát trong nhà đâu, trên sông cũng hát được mà. Chúng ta phải ưu tiên giải quyết các vấn đề bức thiết, phải hết sức chú ý đời sống vật chất của nhân dân. Làm cái gì cũng chú ý cải thiện cuộc sống của dân, giúp họ sản xuất được và bán được, chứ xây chợ, xây nhà văn hóa rồi bỏ không thì không được", Thủ tướng nhắc nhở.
Nhắc lại câu chuyện của tỉnh Thái Nguyên cũng có tới 4 nhà hát mà bỏ hoang cả 4, rồi các nhà văn hóa xã hiện nay xây ra cũng chỉ để tiếp khách và tổ chức hội nghị, thậm chí để tổ chức đám cưới, Gs. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, chia sẻ: "Tổ chức hội nghị, đám cưới còn tốt, có nơi còn trở thành chuồng bò, chuồng trâu, chăn nuôi gia súc. Bây giờ lại đầu tư nhà hát, trong khi hát thì không ai xem, dẫn đến thua lỗ, cuối cùng xây thêm cũng không để làm gì".
"Bộ VH-TT&DL không có dự đoán, cũng không thăm dò, khảo sát gì, thích thì xây, xây để kiếm chác. Nhà hát bỏ không thì nhiều, chuyên dành cho tổ chức đám cưới, còn tranh chỗ với tổ chức hội thảo quốc tế. Thậm chí, các hội thảo còn phải nhường chỗ. Vừa qua, tôi có dự hội thảo ở Nghệ An. Một hội thảo lớn như vậy còn phải dẹp xuống nhà xập xệ, rồi nhường chỗ cho đám cưới. Quá kỳ cục!", ông Thịnh than.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL thì khẳng định: "Đây là đề án rất cần thiết vì hiện nay các trung tâm, nhà hát tại các tỉnh, địa phương còn đang thiếu rất nhiều, không thể đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của người dân. Do đó, để phát triển văn hóa, nghệ thuật Việt Nam trong tình hình mới Bộ VH-TT&DL đã xây dựng đề án này".
Theo Thời Báo Kinh Doanh

Bình luận(0)