|
Thần Tài là một trong những vị thần nổi tiếng của tín ngưỡng phương Đông - Ảnh: Minh họa |
Ngày vía thần Tài là gì?
Thần Tài trong tín ngưỡng phương Đông là vị thần đảm nhiệm việc trông coi tiền tài cho gia chủ. Ngày vía Thần Tài là ngày người dân chọn ra nhằm mục đích cúng vị Thần Tài để được phù hộ độ trì, đồng hành cùng gia chủ trên con đường thăng tiến, hướng đến thành công như ý.
Ngày mùng 10 Âm lịch hàng tháng được chọn làm ngày Thần Tài. Song ngày quan trọng nhất vẫn là ngày 10 tháng Giêng, gia chủ làm ăn kinh doanh chú tâm chuẩn bị cho lễ cúng đủ đầy để Thần Tài gõ cửa.
Năm 2020, ngày Vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) sẽ rơi vào thứ Hai - ngày 3/2 Dương lịch.
Nguồn gốc, ý nghĩa của ngày vía Thần Tài
Chuyện xưa kể rằng, Thần Tài là vị thần sống trên trời, trong một lần xuống dưới hạ giới do uống rượu say, đầu va vào đá nên không nhớ mình là ai. Trong quá trình lưu lạc dưới nhân gian, quần áo Thần Tài mặc trên người bị người dân đem đi bán.
May thay, khi Thần Tài đi lang thang ăn xin thì được một cửa hàng bán gà, vịt mời Thần Tài ăn, từ đó cửa hàng này đông nghịt khách hàng.
Một thời gian sau, cửa hàng đó làm ăn sa sút, vắng khách do chủ nhà thấy Thần Tài không làm gì, ăn bốc nên không cho ở nữa. Thấy vậy, nhiều người kinh doanh khác đến mời Thần Tài về, đưa đi mua quần áo mới để mặc. Cũng may, Thần Tài tìm đến đúng cửa hàng đã mua lại quần áo lúc trước rồi mặc lại quần áo của mình, đội mũ bay về trời vào ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch.
Để tưởng nhớ Thần Tài, mọi người chọn ngày này là ngày vía Thần Tài. Từ đó, vào ngày này hàng năm người dân lại sắm sửa lễ vật cúng Thần Tài và mua vàng để cầu tài lộc may mắn, sung túc cho cả năm.
Ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm được chọn làm ngày vía Thần Tài, người Việt thường mua đồ lễ cúng trước bàn thờ Thần Tài để cầu tài lộc cho một năm mới làm ăn thuận lợi.
Cách bài trí bàn thờ cúng Thần Tài chuẩn nhất
Trong cùng bàn thờ, dán trên vách là một tấm bài vị. Sau lưng bàn thờ Thần Tài cần phải là vách tường chắc chắn, không được trổ cửa sổ hay đục lỗ vì làm vậy thì tài vận không tụ được.
Vì lý do nào đó mà không thể đặt bàn thờ dựa lưng vào tường thì cần tạo vách để tránh góc nhọn sau lưng bàn thờ và giúp bàn thờ nằm vững chắc.
Hai bên, bên trái (nguyên tắc là từ ngoài nhìn vào) là ông Thần Tài, bên phải là Thổ Địa (thường bàn thờ Thần Tài thờ chung với ông Thổ Địa).
Ở giữa hai ông đặt một hũ gạo, một hũ muối và một hũ nước đầy (lưu ý, ba hũ này chỉ đến cuối năm mới thay). Giữa bàn thờ đặt một bát nhang và cần tránh động bát nhang khi lau chùi bàn thờ.
Bên tay trái đặt đĩa trái cây, bên phải đặt lọ hoa. Hoa cúng Thần Tài nên là hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền. Trái cây nên chọn ngũ quả. Xếp 5 chén nước thành hình chữ thập để tượng trưng cho ngũ phương và ngũ hành phát sinh phát triển. Ông Cóc để bên trái, sáng quay Cóc ra, tối quay Cóc vào.
Ngoài cùng trên mặt đất, nên chọn một cái bát hoặc đĩa sâu sứ hoặc thuỷ tinh thật đẹp, đổ đầy nước và rắc những cánh hoa hồng trên mặt. Bên trên bàn thờ Thần Tài, có thể đặt thêm tượng Phật Di Lặc. Di Lặc Phật Vương sẽ quản lý và ngăn chặn các vị thần làm điều sai trái.