Ngân hàng Đông Á đang tính chuyện sáp nhập

Google News

Nếu đại hội đồng cổ đông của DongA Bank vào cuối tháng 3 này thông qua, DongA Bank sẽ tính đến việc kết hợp với một ngân hàng khác.

Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cho hay, nếu đại hội đồng cổ đông của DongA Bank vào cuối tháng 3 này thông qua, DongA Bank sẽ tính đến việc kết hợp với một ngân hàng khác. 

 

Giao dịch tại DongA Bank

 

Thị trường vẫn đang dõi theo diễn tiến thông tin vụ thâu tóm Sacombank. Các ngân hàng khác cũng đang nghe ngóng và có những chuẩn bị. Ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cho hay, nếu đại hội đồng cổ đông của DongA Bank vào cuối tháng 3 này thông qua, DongA Bank sẽ tính đến việc kết hợp với một ngân hàng khác.

Thưa ông, vậy DongA Bank chủ động tìm đến đối tác hay ngược lại?

Thời gian qua, một số tổ chức đã đặt vấn đề kết hợp, sáp nhập với DongA Bank, mong muốn cùng phát triển các dịch vụ ngân hàng. Tôi cho rằng chủ trương sáp nhập, hợp nhất là đúng đắn và đã trở thành xu thế.

Để xúc tiến việc này, tháng 5 tới DongA Bank tiến hành làm việc với tư vấn chiến lược về phát triển kinh doanh và một số tư vấn khác. Đến khi chiến lược kinh doanh tương đối rõ ràng, chúng tôi sẽ kiên quyết thực hiện.

Chúng tôi đã trao đổi với nhiều đối tác. Có đối tác chúng tôi thấy khả năng trong tương lai. Dù vậy, tôi chưa “vừa mắt” được ai. Nếu có người phù hợp thì DongA Bank sẵn sàng tiến đến. Nếu có sáp nhập, điều quan trọng là thương hiệu của DongA Bank phải được giữ lại.

Thông thường sáp nhập thì một ngân hàng có trụ sở ở miền Nam sáp nhập với một ngân hàng có trụ sở ở miền Bắc sẽ tốt hơn cho phát triển mạng lưới và phân bổ thị trường. Hơn nữa, sáp nhập có điều tốt là sẽ được đánh giá lại tài sản, phục vụ khách hàng tốt hơn…

Là một trong những người sáng lập và điều hành DongA Bank gần 20 năm qua, ông có lo mất quyền kiểm soát?

Tôi không lo ngại mất quyền tại DongA Bank, vì đã chấp nhận “kết hôn” thì cùng nhau xây dựng “gia đình” hạnh phúc, để lớn mạnh hơn trong tương lai. Ngược lại, thị trường vừa qua diễn ra những cuộc âm thầm thâu tóm, cho dù có đạt được mục đích, tôi cho rằng nội bộ sẽ khó thống nhất chiến lược và hoạt động. Người có ý định thâu tóm phải tuyên bố công khai, thì ít nhất người đang trong tầm ngắm thâu tóm được báo trước để tự vệ.

Còn việc cổ đông chiến lược nước ngoài đã đến giai đoạn nào, thưa ông?

Nhiều định chế tài chính nước ngoài đã đặt vấn đề. Tôi cho rằng đó cũng là một “cuộc hôn nhân”, thì bản thân mình phải đủ “công dung ngôn hạnh” và “một vợ một chồng”, mang lại được giá trị cho đối tác thì họ mới ở lại lâu dài. Tôi đã muốn lập “gia đình”, nhưng kẹt một nỗi một số đối tác chiến lược đã “đề huề”.

Theo Hồng Sương
Báo SGTT

Bình luận(0)