Hoạt động kinh doanh đa cấp đang trở thành vấn đề thời sự nóng hổi được cả dư luận quan tâm sau khi vụ việc Công ty Liên kết Việt - một doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh đa cấp đã biến tướng vươn chân rết đến 27 địa phương để lừa đảo hơn 60.000 người với số tiền lên đến 1.900 tỷ đồng.
Để mở rộng mạng lưới, thu hút người tham gia, Công ty Liên kết Việt tự giới thiệu là doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng. Để tăng lòng tin nhằm lôi kéo người tham gia và mở rộng mạng lưới, một trong những chiêu thức hiệu quả nhất của Liên kết Việt lừa đảo là sử dụng hình ảnh những người có uy tín trong quân đội, giả mạo bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
|
Công ty Liên kết Việt lừa đảo cung cấp các thông tin gian dối và gây nhầm lẫn
cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm (ảnh PLO).
|
Câu hỏi dư luận là tại sao hình ảnh đó lại được doanh nghiệp dễ dàng sử dụng để quảng cáo?
Đi tìm câu trả lời, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, người trước đây từng được mời tham gia dự hội thảo của một công ty kinh doanh đa cấp.
Trao đổi cởi mở với phóng viên, TS. Cao Sỹ Kiêm cho biết, hình thức kinh doanh đa cấp không chỉ có ở Việt Nam, trên thế giới nhiều nước cũng xuất hiện hình thức kinh doanh này. Ở Việt Nam hiện Chính phủ đã có Nghị định 42 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Nói về việc từng tham gia hoạt động của một công ty đa cấp, TS. Cao Sỹ Kiêm cho hay: Thời điểm đó cách đây đã lâu - từ năm 2014, khi đó có đơn vị đa cấp đã mời tôi đến nói về Nghị định 42, nói về những quy định trong Nghị định 42, giải thích những hoạt động kinh doanh được phép và hoạt động kinh doanh bị cấm, giải thích những giấy phép cần có để hoạt động đa cấp.
“Tôi chỉ dừng ở mức độ đó, không tham gia kinh doanh”, TS. Kiêm khẳng định.
Nêu lên một thực tế, TS. Kiêm cho biết, để lôi kéo người tham gia hệ thống, nhiều công ty kinh doanh đa cấp hiện nay thường mời những chuyên gia, nhà khoa học, chính khách, tướng lĩnh… nói chung là những người có uy tín trong xã hội đến dự, tham gia hội thảo.
Những vị khách được mời đến không hay biết công ty đa cấp đang lợi dụng uy tín, hình ảnh của họ để quảng bá, tuyên truyền tăng uy tín chiếm lấy lòng tin của mọi người.
“Đây là hoạt động rất nguy hiểm, công ty đa cấp thường tìm đến người có uy tín, hiểu biết trong lĩnh vực mời đến tham dự hội nghị hoặc có trường hợp mời những người đến dự tham gia phát biểu nhưng không đưa trung thực thông tin mà thay vào đó là nội dung khác”, TS. Cao Sỹ Kiêm đánh giá.
Bên cạnh việc bóp méo thông tin, theo TS. Cao Sỹ Kiêm sau khi công ty đa cấp mời chuyên gia, nhà khoa học, người có uy tín đến dự các hội thảo thường chụp ảnh, quay clip sử dụng hình ảnh đó quảng bá cho mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.
“Nguy hiểm nhất khi người dân không hiểu biết nhưng vì có sự xuất hiện của người này, người kia và sự lôi kéo của mạng lưới đa cấp nên họ tham gia, cuối cùng gánh lấy rủi ro”, TS. Kiêm đánh giá.
Phần lớn những người được mời đến dự chủ yếu là những người không phải ở lĩnh vực kinh tế nên có thể họ đến lần đầu không hiểu, được mời... họ đến lần thứ hai, thứ ba. Khi đó, công ty đa cấp càng có cơ hội để sử dụng hình ảnh khách mời uy tín nhằm quảng bá cho hoạt động kinh doanh.
Để tránh “bẫy” của các công ty đa cấp TS. Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh: “Với chuyên gia, nhà khoa học những người có uy tín, nếu không am hiểu lĩnh vực nên tránh tiếp xúc, đặc biệt tránh những phát biểu, chia sẻ, nói chuyện. Điều này vừa không làm mất uy tín của chính họ vừa không vô tình tiếp tay cho doanh nghiệp đa cấp”.
Đối với người dân, theo TS. Cao Sỹ Kiêm không nên nghe theo quảng cáo của doanh nghiệp hay tin vào những clip, hình ảnh giới thiệu những chuyên gia, người có uy tín được công ty đa cấp đưa ra. Đặc biệt, không nên tin vào những quảng cáo về các khoản lợi nhuận khổng lồ.
Liên quan đến vụ việc Công ty Liên kết Việt, TS. Cao Sỹ Kiêm khẳng định: Mô hình kinh doanh hoạt động của Liên kết Việt sai hoàn toàn.
Trong đó có ba cái sai nguy hiểm nhất: Thứ nhất, mạo danh một đơn vị để lừa đảỏ; Thứ hai, lợi dụng uy tín của Bộ Quốc phòng để quảng bá, khuếch chương nhằm chuộc lợi; Thứ ba không làm đúng quy định, giấy phép không có, tuyên truyền không đúng sự thật hoàn toàn mang tính chất lừa đảo, chộp giật.
Nguyên nhân dẫn đến những sai phạm của Công ty Liên kết Việt, theo TS. Cao Sỹ Kiêm có trách nhiệm lớn của ngành Công thương.
TS. Kiêm phân tích, ngành Công thương chỉ làm được một nửa bởi phát hiện được sai phạm nhưng không ngăn chặn được sai phạm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Kiểm tra phát hiện vi phạm thì phải ngăn chặn được vi phạm tiếp theo đồng thời phải công khai minh bạch để người dân biết và tránh.
“Mức độ kiểm tra của Bộ Công thương mình không rõ kiểm tra sâu đến đâu nhưng rõ ràng hiệu quả kiểm tra chỉ dừng lại ở phát hiện vi phạm, xử phạt hành chính, còn vấn đề ngăn chặn là không có vì vậy doanh nghiệp ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động. Mặt khác, việc không công khai minh bạch thông tin vi phạm của Công ty Liên kết Việt khiến người không biết cứ lao tới”, TS. Kiêm nói.
Video: Đại diện công ty đa cấp Liên Kết Việt trả lời phỏng vấn VTV: