Chiều 22/4, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông cáo khẳng định, không có bất cứ thay đổi nào đối với các đồng tiền hiện đang lưu hành.
Thông cáo nêu rõ: "Không có chủ trương đổi tiền và không có bất kỳ một sự thay đổi nào với đồng tiền đang lưu hành hiện nay. Thời gian qua và hiện nay, giá trị đồng Việt Nam khá ổn định, cơ cấu của bộ tiền đang lưu thông hiện nay vẫn phù hợp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không có chủ trương phát hành tờ tiền mệnh giá một (1) triệu đồng".
|
Thông tin đổi tiền là hoàn toàn bịa đặt.
|
Tin đồn đổi tiền lan đi từ giữa tuần trước, khi có nhiều ý kiến bàn luận xung quanh chủ đề sửa đổi Hiến pháp, đổi tên nước. Theo đó, mặt trước các đồng tiền đang lưu hành đều có dòng chữ "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam", giả thiết đổi tên nước thành "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", một số ý kiến lo lắng sẽ phải in tiền lại. Đây được cho là lý do khiến tin đồn đổi tiền bùng phát.
Trước đó, trả lời trên báo Lao động, ông Nguyễn Chí Thành - Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho hay, "đây là thông tin bịa đặt". Để in đổi một lượng tiền lớn sẽ cần có kế hoạch, chi phí cực lớn cho việc chuyển đổi; vì thế, không thể dễ thực hiện như nhiều người suy đoán.
"Ngoài ra, thực hiện đổi tiền cần căn cứ vào rất nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế xã hội có phù hợp không? Cơ cấu đồng tiền còn hợp lý không? Hay bộ tiền có bị làm giả quá nhiều không khiến người dân mất lòng tin vào đồng tiền? Và với những căn cứ đó thì ở tình hình hiện nay, không có lý do gì để thực hiện việc đổi tiền", ông Thành khẳng định.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, yên tâm sử dụng đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành.
Giới chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ cũng cho rằng, những tin đồn trên là hoàn toàn không có cơ sở. Một chuyên gia phân tích, ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước phát hành bất kỳ một đồng tiền nào mới cũng không có chuyện ngay lập tức loại bỏ tính hợp pháp của những đồng tiền cũ đang lưu hành.
Xung quanh vấn đề này, ở góc độ là chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Lê Thẩm Dương bình luận: “Đổi tiền liên quan tới chính sách tiền tệ của cả một quốc gia trong một giai đoạn dài, chứ không phải chỉ là chuyện đổi tờ giấy này sang tờ giấy khác một cách đơn thuần, “không đơn giản chỉ là in tiền”. “Chính vì vậy, không thể nói và tin một cách khơi khơi như vậy được” - ông Dương nhấn mạnh.
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay những cơ sở của việc đổi tiền không hề có, tin đồn này hoàn toàn không có cơ sở. Theo ông Kiêm, phải có những yếu tố như: lạm phát cao, đồng nội tệ mất giá nghiêm trọng, cơ cấu đồng tiền cản trở lưu thông, hoạt động tiền tệ không lành mạnh... hoặc cũng có thể do đổi tên nước mới khiến người ta nghĩ đến việc đổi tiền.
“Tuy nhiên, thời điểm này việc đổi tên nước còn đang được bàn thảo, cơ cấu đồng tiền không có gì bức bách, các mệnh giá đều phù hợp, lạm phát không cao trào… nên không hề có cơ sở khoa học nào để nghĩ đến việc phải đổi tiền. Trước những tin đồn kiểu này, có thể người dân hoang mang, nhưng chỉ cần có một chút hiểu biết thì sẽ tự phán đoán ra là không có cơ sở để xảy ra trên thực tế”, ông Kiêm nhấn mạnh.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU