Khai tử Air Mekong: Sự xông đất buồn tẻ đầu năm 2015

Google News

(Kiến Thức) - Cái chết của hàng không Air Mekong không quá bất ngờ vì thực ra, Air Mekong đã “chết lâm sàng” từ lâu.

Dư luận mấy ngày nay xôn xao trước thông tin hãng hàng không Air Mekong bị rút giấy phép bay. Như vậy, những khách hàng vốn chờ mong “sếu đầu đỏ” cất cánh lại sau thời gian dài dừng bay nay đã phải thất vọng.
Cái chết của hàng không Air Mekong không phải lần đầu xảy ra ở thị trường hàng không Việt Nam. Trước đó, hãng hàng không giá rẻ tư nhân Indochina Airlines của nhạc sỹ Hà Dũng mới bay thương mại một năm đã nợ tới 50 tỷ tiền nhiên liệu cũng phải ngừng bay. Dù được Cục Hàng không nhiều lần khuyến khích bay lại nhưng Indochina Airlines đã không còn sức lực và tinh thần để bay và dần biến mất trên bản đồ hàng không Việt Nam.
Khai tu Air Mekong: Su xong dat buon te dau nam 2015
 Air Mekong đã bị rút giấy phép bay.
Còn hãng hàng không Trãi Thiên mặc dù đã được cấp giấy phép nhiêu năm nhưng rồi cuối cùng cũng không “chịu” bay, trước nỗi e ngại nợ nần như “người tiền nhiệm” Indochina Airlines.
Nhìn lại Air Mekong mới thấy rằng “cái chết” của hãng hàng không này không quá bất ngờ. Với biểu tượng “sếu đầu đỏ”, Air Mekong được Bộ GTVT cấp giấy phép bay từ ngày 30/10/2008, có “đại bản doanh” đặt tại sân bay quốc tế Phú Quốc, đội bay gồm những máy bay phản lực cơ Bombardier CRJ900 hơn hẳn máy bay cánh quạt ATR 72 của hãng Vasco, mở ra nhiều kỳ vọng làm phong phú thêm thị trường hàng không Việt. Hãng chính thức bay từ ngày 9/10/2010. Vậy mà, chỉ thời gian ngắn sau, Air Mekong xin tạm ngừng khai thác từ ngày 1/3/2013 với lý do khéo léo là tái cơ cấu đội tàu bay. Thực chất, đây chính là điểm đầu báo hiệu “cái chết lâm sàng” của hãng trước nguồn nợ phí nhiên liệu quá lớn.
Sau hơn 1 năm tạm ngừng bay, Air Mekong vẫn không có bất cứ động thái nào về kế hoạch sẽ bay trở lại và không đủ các điều kiện để duy trì giấy phép bay theo quy định. Và Air Mekong chính thức “chết” từ đầu năm 2015.
Từ vụ Air Mekong có thể thấy được sự thật đó là tình trạng thua lỗ nặng nề đang gây khó khăn cho các hãng hàng không Việt. Một nguyên nhân chính gây nên thảm cảnh thua lỗ này đó là chi phí quá “khủng” cho nguồn nhiên liệu trong mỗi chuyến bay. Đó cũng là lý do để Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng quyết định triển khai đường bay thẳng qua không phận Lào và Campuchia cho tuyến bay Hà Nội – TP HCM để rút ngắn hành trình và tiết kiệm chi phí. Trong chỉ đạo triển khai đường bay thẳngvừa qua, Bộ trưởng Thăng đã từng chỉ thị cho Cục Hàng không Việt Nam “Các anh phải bơi cùng doanh nghiệp, phải tháo gỡ cho doanh nghiệp làm ăn có lãi....”.
Bức tranh hàng không Việt Nam 2014 vốn đã không sáng sủa nay lại mở màn năm 2015 bằng một tin không vui là sự “khai tử” của hãng hàng không Air Mekong sau một thời gia dài “chết lâm sàng”. Như vậy thị trường hàng không Việt Nam đang chỉ còn 4 hãng hàng không đang khai thác bay thương mại là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco và VietJet Air. Tuy nhiên, các hãng này cũng đang bươn chải trong nhiều khó khăn như nợ nần, phương tiện bay già nua… Chắc chắn hàng không Việt Nam 2015 cần đến cả một sự thay đổi lớn để làm sáng mình thành công.
TS Trần Đình Bá

Bình luận(0)