Theo TS Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thì sau Brexit, nếu giá vàng thế giới tăng 20% như nhiều dự báo thì giá vàng trong nước sẽ chỉ tăng cao nhất 40 triệu đồng/lượng.
Thị trường vàng những ngày qua đã có những thay đổi. Sau một thời gian duy trì các mức chỉ 33-34 triệu đồng thì giờ đây, giá vàng bán ra trong nước ở mức 35- gần 36 triệu đồng/lượng. Những diễn biến này sẽ nói lên điều gì về thị trường vàng trong thời gian tới, nhất là sau sự kiện Brexit.
Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietnamNet có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thế Hùng, Ủy viên thường trực Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam. TS Hùng là chuyên gia có 20 năm nghiên cứu về vàng và là nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Bipielle Thuỵ Sĩ tại Việt Nam, nguyên Trưởng đại diện Tập đoàn chuyên về xuất nhập khẩu vàng MKS Finance SA tại Việt Nam.
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, mới đây, sự kiện Anh rời EU đã gây chao đảo thị trường tài chính châu Âu và thế giới. Nhìn lại bài học lịch sử tài chính, giai đoạn 2008-2011, giá vàng thế giới tăng phi mã tới gần 1.920 USD/ounce và trong nước, lập đỉnh 49 triệu đồng/lượng, thậm chí gần 50 triệu đồng/lượng. Ông có nghĩ rằng, sẽ có một đợt khủng hoảng giá vàng tái lập với mức tăng cao sau Brexit hay không?
TS Nguyễn Thế Hùng: Theo tôi, ảnh hưởng của thị trường tài chính thế giới từ sự kiện Brexit khác với giai đoạn khủng hoảng năm 2008-2012. Sự suy thoái và khủng hoảng tài chính ở thị trường Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, do vậy, ảnh hưởng đến các chính sách của các định chế tài chính lớn trên thế giới như IMF, Worldbank...
Đối với Anh, Anh chỉ là nền kinh tế đứng thứ 3 ở châu Âu thôi. Tôi nghĩ rằng, nên phản ứng dây chuyền của Brexit ngoài phạm vi EU đối với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Nhật, Trung Quốc sẽ có mức độ thôi.
Tuy nhiên, phải nói rằng, việc lo ngại ảnh hưởng của Brexit có thể kéo dài nên đã tạo tâm lý của các nhà đầu tư, của giới đầu cơ muốn hướng tới tài sản an toàn hơn, đặc biệt là vàng. Và rõ ràng, vàng đã tăng rất mạnh ngay sau Brexit.
Trong giai đoạn vừa rồi, chúng ta cũng thấy rằng, mặc dù giá cao như vậy nhưng các quỹ uỷ thác đầu tư vàng vẫn tiếp tục mua vàng.
Nhà báo Phạm Huyền:Trong bối cảnh này, ông nghĩ sao về khả năng giá vàng Việt Nam liệu có thể lập đỉnh và vượt qua ngưỡng 40 triệu đồng/lượng?
TS Nguyễn Thế Hùng: Nếu làm một bài toán so sánh đơn giản rằng, giá vàng thế giới từ năm 2008-2012 là tăng 40%, đạt đỉnh 1.920 USD/ounce. Lúc ấy, giá vàng trong nước cũng tăng từ 26 triệu đồng/lượng tăng lên 49 triệu đồng/lượng. Tỷ lệ tăng trong nước là 53%.
Nếu tương tự như vậy, tại thời điểm bây giờ, giá vàng thế giới bây giờ là 1.310 USD/ounce chẳng hạn, giả dụ chỉ tăng lên 20%, đạt 1.580 USD/ounce. Nếu theo logic như vậy, giá vàng trong nước sẽ tăng 30%, cụ thể là giá sẽ lên tới 45 triệu đồng/lượng.
Nhưng ở đây, thời điểm bây giờ, yếu tố lạm phát không còn nhiều như giai đoạn trước. Yếu tố tăng 30% không còn đúng không, có chuẩn không so với kỳ vọng của thị trường và so với điều kiện thị trường năm 2008-2012.
|
Tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng |
Chính vì vậy, tôi cho rằng, nếu giá vàng trong nước được điều chỉnh trên cơ sở chính sách điều hành ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ như hiện nay, tạo ra sự ổn định tỷ giá thì nếu giá thế giới có lên 20%, là 1.580 USD/ounce thì giá vàng Việt Nam sẽ chỉ lên loanh quanh 39-10 triệu đồng/lượng.
Nhà báo Phạm Huyền: Câu chuyện thị trường vàng không chỉ là giá cả. Hiệp hội Kinh doanh vàng vừa qua đưa ra số liệu có tới 500 tấn vàng đang tồn trữ trong dân và đề nghị lập Sở Giao dịch vàng thì liệu điều này sẽ đóng góp gì để lành mạnh thị trường vàng?
TS Nguyễn Thế Hùng: Trước hết, nói về con số 500 tấn vàng cất giữ trong dân. Theo tôi, con số này có thể chính xác ở giai đoạn trước 2012. Khi trong 2 thập kỷ 1990-2012, hầu như số liệu trung bình nhập khẩu vàng Việt Nam là 25 tấn.
Nhưng hiện nay, sau năm 2012 đến bây giờ, giá vàng quốc tế xuống, từ 1.920 USD/ounce xuống 1.040 USD/ounce cuối năm 2015. Chính vì giá vàng thế giới lao dốc như vậy nên giá vàng trong nước lao dốc theo từ 45 triệu đồng/lượng xuống còn 29 triệu đồng/lượng. Khi lao dốc như vậy, tâm lý người dân muốn chuyển đổi vàng bị lỗ, từng mua giá cao thời kỳ trước, chuyển thành tiền gửi ngân hàng, hoặc đầu tư chứng khoán, bất động sản. Vì vậy, sẽ phải xem lại độ chính xác con số 500 tấn vàng.
Còn việc thành lập Sở giao dịch vàng, không phải là để huy động vàng mà là tạo công cụ phái sinh, giúp cho nhà quản lý thực hiện, phòng tránh những rủi ro. Khi huy động vàng trong dân khi doanh nghiệp cũng không chịu rủi ro vì biến động giá cả và ngược lại, có điều kiện trả lại vàng cho dân khi dân cần. Và điều lợi nhất là các doanh nghiệp được bán giá vàng cùng giá giống nhau, trên cơ sở giá của Sở giao dịch niêm yết, người dân được mua thông qua giá niêm yết thống nhất đó. Điều đó tạo ra sự bình đẳng trên thị trường và sự cạnh tranh lành mạnh.
Giá vàng 6 tháng 2016:
Tháng 1/2016: 1.059 USD/ounce, 33-34 triệu đồng/lượng
Tháng 6/2016: 1.319 USD/ounce, 35-36 triệu đồng/lượng
Các dự báo giá vàng sau Brexit:
Ngân hàng ANZ: 1.400 USD/ounce trong 2016.
Bloomberg: 1.424- 1.600 USD/ounce vào cuối năm 2016.
Tạp chí Trends Journal: 2000 USD/ounce
Công ty Incrementum AG: 2.300 USD/ounce năm 2018