Gia hạn sử dụng đất thêm 20 năm

Google News

Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ ban hành thông tư để hướng dẫn các gia đình và cá nhân làm thủ tục gia hạn hoặc thu hồi đất.

- Chiều 7/3, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã tổ chức họp báo giải đáp những vấn đề liên quan tới chính sách quản lý, sử dụng đất đai mà dư luận đang quan tâm trong thời gian này.
Hình ảnh chụp tại vụ cưỡng chế đầm tôm ông Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng)
Hình ảnh chụp tại vụ cưỡng chế đầm tôm ông Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng)

Thêm 20 năm nếu có nhu cầu

Trả lời báo chí về tới vấn đề thời hạn giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân với thời hạn sử dụng sẽ kết thúc vào năm 2013, ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, theo Luật đất đai 1993, các hộ gia đình và cá nhân được giao đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản là 20 năm và trồng cây lâu niên là 50 năm.

Tuy nhiên, nếu có nhu cầu, người dân sẽ tiếp tục được gia hạn khi hết thời hạn 20 năm vào 2013. Theo đó, người dân có thể tiếp tục được giao đất thêm 20 năm nếu có nhu cầu (tức là đến 2033). Trường hợp người sử dụng đất không có nhu cầu tiếp tục, nhà nước sẽ thu hồi để chia cho các hộ và gia đình khác.

Để thực hiện việc này, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ ban hành thông tư để hướng dẫn các gia đình và cá nhân làm thủ tục gia hạn hoặc thu hồi đất.

Giải đáp về tình trạng các gia đình và cá nhân khi thế chấp đất bị ngân hàng từ chối vì giấy chứng nhận ghi chỉ còn hơn một năm, ông Chính khẳng định: Bộ Tài nguyên & Môi trường có gửi công văn tới Bộ Tư Pháp, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, kiến nghị  tạm thời trước mắt giải quyết quyền lợi cho người nông dân trong việc chuyển nhượng, đền bù, thế chấp đất đai...”.

Quản lý chưa chặt chẽ, làm mất phôi sổ đỏ

Trả lời báo chí liên quan đến vấn đề thất lạc khoảng 400 phôi sổ đỏ tại thị xã Sơn Tây, ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký & Thống kê Đất đai (Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên & Môi trường) giải thích, ngoài phản ánh ở Sơn Tây, hiện chưa có địa phương nào báo cáo thêm về thực trạng mất phôi sổ đỏ. Cục cũng chưa bao giờ có thống kê về việc này.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất phôi sổ đỏ ở Sơn Tây, ông Phi cho rằng:  “Việc thất lạc phôi sổ đỏ chủ yếu do tổ chức quản lý thiếu chặt chẽ. chứ về quy trình quản lý phôi, chúng tôi làm rất chặt. Bộ có thông tư hướng dẫn khá chi tiết. Ví dụ, khi bàn giao, đia phương phải ghi cụ thể nhận bao nhiêu phôi, số seri của từng phôi.

Tuy nhiên, ông Phi cũng cho rằng, quy trình thì chặt nhưng khi thực hiện vẫn để xảy ra nhiều sai sót. Ví dụ khi bàn giao phôi, bên nhận chỉ có ký tay. Ngoài ra cũng xuất hiện tình trạng, một số địa phương “nhận” phôi nhiều hơn thực tế dẫn đến tình trạng mỗi năm lại “thừa ra một tí”.
 
SH
[links()]

Bình luận(0)