Ngân hàng này sẽ chính thức hoạt động từ 4/6/2013.
Theo Giấy phép, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam có trụ sở chính tại Tòa nhà 15T đường Nguyễn Thị Định, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Vốn điều lệ của ngân hàng là 3.000 tỷ đồng, bao gồm vốn hỗ trợ của Nhà nước, vốn góp của quỹ tín dụng nhân dân thành viên và các pháp nhân khác. Thời hạn hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là 99 năm.
Về nội dung, phạm vi hoạt động, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam được thực hiện các hoạt động nghiệp vụ sau:
Đối với các quỹ tín dụng nhân dân thành viên: Mở tài khoản tiền gửi cho các thành viên là quỹ tín dụng nhân dân; Nhận tiền gửi, cho vay điều hòa vốn đối với quỹ tín dụng nhân dân thành viên theo Quy chế điều hòa vốn được Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác xã thông qua và được công khai đến tất cả các quỹ tín dụng nhân dân thành viên; Xây dựng, phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ mới trong hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân thành viên đáp ứng nhu cầu của các thành viên quỹ tín dụng nhân dân và phục vụ phát triển lợi ích cộng đồng trên địa bàn sau khi được NHNN cho phép.
Đối với khách hàng không phải là quỹ tín dụng nhân dân thành viên: Nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán và các loại tiền gửi khác của tổ chức và cá nhân; Cho vay đối với khách hàng không phải là quỹ tín dụng nhân dân thành viên khi đã ưu tiên đáp ứng nhu cầu điều hòa vốn của quỹ tín dụng nhân dân thành viên, duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay khách hàng không phải là quỹ tín dụng nhân dân thành viên theo đúng quy định của NHNN.
Các hoạt động khác: Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác để huy động vốn trong nước và nước ngoài; Vay vốn trên thị trường tiền tệ trong nước và vay vốn của tổ chức tài chính, tín dụng, các tổ chức khác và cá nhân trong, ngoài nước theo quy định của pháp luật; Ủy thác và nhận ủy thác theo quy định của NHNN và các quy định của pháp luật liên quan; Vay vốn của NHNN dưới hình thức tái cấp vốn và các hình thức vay vốn khác theo quy định của NHNN; Thực hiện các nghiệp vụ chiết khấu, tái chiết khấu, cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá khác; Bảo lãnh ngân hàng theo quy định của NHNN; Phát hành thẻ tín dụng theo quy định của NHNN; Cung ứng các phương tiện, dịch vụ thanh toán và ngân quỹ cho các quỹ tín dụng nhân dân thành viên và các khách hàng không phải là quỹ tín dụng nhân dân thành viên; Tổ chức thanh toán nội bộ, tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia; Tham gia đấu thầu tín khiếu Kho bạc, mua, bán công cụ chuyển nhượng, trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu NHNN và các giấy tờ có giá khác trên thị trường tiền tệ; Làm đại lý trong các lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của NHNN; Làm các dịch vụ tư vấn tài chính, ngân hàng và đầu tư theo quy định của NHNN; Kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối; kinh doanh, cung ứng các sản phẩm phái sinh; góp vốn, mua cổ phần; kinh doanh, đầu tư chứng khoán; kinh doanh vàng bạc, đá quý và thực hiện các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến hoạt động ngân hàng sau khi được NHNN chấp thuận bằng văn bản.
Cũng trong ngày 04/6/2013, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1209/QĐ-NHNN thu hồi Giấy phép hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương. Cụ thể, trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ khi Giấy phép thành lập và hoạt động Ngân hàng Hợp tác xã có hiệu lực thi hành, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hoàn trả NHNN (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) Giấy phép hoạt động số 001/NH-GP ngày 20/7/1995 của Thống đốc NHNN cấp cho Qũy tín dụng nhân dân Trung ương.
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam có trách nhiệm kế thừa và tiếp tục thực hiện mọi quyền lợi và nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp cũng như có trách nhiệm xử lý mọi tồn tại, phát sinh từ Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương phù hợp với quy định của Luật các TCTD và quy định của pháp luật có liên quan.
Đồng thời, Ngân hàng Hợp tác xã và các khách hàng tiếp tục thực hiện các hợp đồng, giao dịch được ký kết giữa Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương và khách hàng đang còn hiệu lực cho đến khi hết hạn hợp đồng đã thỏa thuận. Việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt các hợp đồng, giao dịch được thực hiện trên cơ sở có sự thống nhất của các bên, phù hợp với các quy định của Luật các TCTD và quy định của pháp luật có liên quan.
BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐỌC NHIỀU: