Sở hữu chung cư trong 70 năm là nội dung mới nhất trong Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi (lần bốn) đang được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến. Trong dự thảo này, Bộ Xây dựng đưa ra 2 phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Phương án 1: Không quy định thời hạn sở hữu, phương án 2: Quy định thời hạn sở hữu.
Trong phương án 2, luật quy định rõ đối với trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng nhà chung cư để bán, cho thuê mua thì thời hạn sở hữu chung cư là 70 năm. Đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thì thời hạn sở hữu nhà chung cư bằng thời hạn sử dụng đất thuê. Đối với trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc có quyền sử dụng đất hợp pháp mà xây dựng nhà chung cư thì sở hữu nhà chung cư là không có thời hạn.
Thời hạn sở hữu nhà chung cư được ghi vào Giấy chứng nhận và khi hết thời hạn sở hữu thì các chủ sở hữu nhà ở chung cư không còn quyền sở hữu nhà chung cư đó và phải bàn giao lại quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư cho Nhà nước để phá dỡ và xây dựng lại các công trình khác theo quy hoạch được duyệt tại thời điểm bàn giao lại quyền sử dụng đất cho Nhà nước. Chủ sở hữu nhà chung cư được hỗ trợ và bố trí tái định cư theo quy định tại Điều 117 của Luật này.
Đề xuất này ngay lập tức gây được sự chú ý của dư luận và nhiều ý kiến trái chiều. Một số hộ dân đang sống tại các chung cư khi nghe đến đề xuất này của Bộ Xây dựng đều tỏ ra ngạc nhiên vì họ lo ngại rằng số vốn tích lũy cả đời của họ để mua một căn hộ chung cư sẽ mất đi sau 70 năm. Còn nhiều người đã có hợp đồng mua chung cư nhưng chưa đến thời gian bàn giao nhà cũng tỏ ra lo lắng vì nếu quy định này trở thành hiện thực thì sau vài chục năm họ sẽ mất trắng căn hộ được mua bằng số tiền tích góp trong nhiều năm.
|
Ảnh minh họa: Internet. |
Trao đổi về vấn đề này với
Kiến Thức, ông Bùi Tất Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) cho hay: Việc quy định thời hạn sở hữu chung cư là việc nên làm bởi lẽ trên thế giới không có chung cư nào là được sở hữu vô thời hạn. Việc cho phép sở hữu chung cư trong 70 năm sẽ tạo điều kiện cho người thu nhập thấp mua được nhà. Mục đích chính khi Bộ Xây dựng đưa ra phương án này cũng là nhằm kéo giá căn hộ chung cư xuống để những người dân thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận được với nhà ở.
Ông Bùi Tất Thắng giả sử, một dự án chung cư có vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, người dân phải mua với giá 13 triệu đồng/m2. Nhưng khi chung cư này hết hạn sử dụng, được tháo dỡ và xây dựng lại, do sau này không phải nộp tiền sử dụng đất nên người dân chỉ phải mua ở mức giá 11 triệu đồng/m2. Như vậy, so sánh 2 con số này có thể thấy, nếu được mua với giá 11 triệu đồng/m2 thì số người mua được chung cư sẽ nhiều hơn. Đây chính là giải pháp để phát triển nhu cầu nhà ở cho những người có thu nhập không cao.
Ông Bùi Tất Thắng nói thêm: Quy định sở hữu căn hộ chung cư trong 70 năm cũng không khác gì thời hạn sử dụng lâu dài. Do đó, giá căn hộ cũng sẽ tương đương căn hộ không quy định thời hạn sở hữu. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng thời hạn sở hữu 70 năm là khá dài, bởi chất lượng chung cư chỉ khoảng 50 năm là đã xuống cấp nặng, hệ thống hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cư dân. Việc quy định thời hạn sở hữu chung cư sẽ đáp ứng được yêu cầu chỉnh trang bộ mặt đô thị khi chung cư hết tuổi thọ, cần phải tháo dỡ.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, ban đầu người dân sẽ tỏ ra lo ngại với quy định này vì họ chưa quen với hình thức sở hữu nhà có thời hạn. Nhưng khi việc này trở nên phổ biến trong xã hội thì người dân sẽ quen dần và chấp nhận được. "Điều quan trọng không phải là quy định sở hữu căn hộ trong thời hạn bao lâu mà là chính sách giải quyết cho người dân sau thời gian bàn giao căn hộ thế nào, người dân có được hưởng những chính sách và quyền lợi về chỗ ở mới hay không", ông Thắng nhận định.
Cũng trao đổi về vấn đề này với Kiến Thức, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng tình ủng hộ đề xuất trên của Bộ Xây dựng. Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, quy định này có thể xuất phát từ thực tiễn khó khăn trong việc cải tạo chung cư cũ hiện nay. Bởi lẽ, có những chung cư mới xây được hơn chục năm cũng đã xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng.
Tuy nhiên, giáo sư Võ nhìn nhận, nếu áp dụng quy định này, thì cần có lộ trình cụ thể. Vấn đề quan trọng nhất là cần phải thay đổi được nhận thức của người dân khi mua nhà chung cư, làm sao để họ chấp nhận việc sở hữu căn hộ có thời hạn. Nhà nước cũng nên quy định rõ ràng về quyền lợi của người sử dụng sau khi đã bàn giao lại nhà chung cư cho Nhà nước.
"Tựu chung lại, đề xuất sử dụng chung cư có thời hạn là một biện pháp bảo vệ quyền lợi của người mua chứ không phải là giảm quyền lợi của họ. Đây cũng là cách để kéo giá chung cư xuống, giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp", giáo sư Võ nói.