Kỳ vọng lớn
Myanmar hiện có 60 triệu dân, là một trong những nước nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.300 USD theo ngang giá sức mua (PPP). Năm 2009-2011, các nhà đầu tư thế giới bắt đầu đánh hơi được "mỏ vàng" mới này. Bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL) cũng chớp cơ hội bằng việc bắt đầu tiến dần vào thị trường Myanmar. Năm 2009, Chủ tịch HAGL đến Myanmar theo phái đoàn ngoại giao tìm hiểu thị trường mới. Năm 2010, tập đoàn được giao mảnh đất "kim cương" ở cố đô Yangon. Năm 2012, hàng loạt lệnh cấm vận của Myanmar được dỡ bỏ, khiến làn sóng đầu tư vào quốc gia này dâng cao hơn nữa...
Bầu Đức dự cảm, sau khi Myanmar mở cửa, thị trường mới nổi này sẽ là thỏi nam châm của thế giới. "Mỏ vàng" còn sót lại của châu Á này sẽ mang đến cơ hội rất lớn cho tập đoàn.
|
Bầu Đức phát biểu tại buổi lễ khởi công Khu phức hợp Hoang Anh Gia Lai Myanmar Center” tại thành phố Yangon hôm hôm 5/6. Ảnh: Kiến Thức |
Điều khiến
bầu Đức dốc tâm đầu tư mạnh mẽ vào Myanmar là tốc độ chuyển mình nhanh chóng của quốc gia này. Bầu Đức cho biết, cách đây 2 năm, Yangon không có nhiều xe nhưng tháng 6/2013, lượng ô tô ở đây đã tăng lên chóng mặt, tắc đường thường xuyên xảy ra, chỗ đậu xe cũng là vấn đề phải bàn. Tính trước được điều này, khu phức hợp của HAGL thiết kế 2 tầng hầm đỗ xe với sức chứa lớn. Các hạng mục văn phòng cho thuê, khách sạn, căn hộ dịch vụ, thương mại được xây dựng sắp tới cũng tính đến việc cho đậu xe miễn phí.
Bầu Đức cho biết thêm, HAGL có 7 cẩu tháp trong số 11 cẩu tháp xây nhà cao tầng ở Yangon. Cách đây 2 năm, Myanmar chỉ có 3 hãng hàng không nội địa thì đến năm 2013, nơi đây có 30 hãng hàng không quốc tế lần lượt chia nhau "miếng ăn" này.
Theo ông Đoàn Nguyên Đức, 15-20 năm sau, khu phức hợp của HAGL tại Yangon sẽ là dự án lớn nhất vì quỹ đất đẹp tại đây không còn nhiều và quy hoạch của Chính phủ nước này ổn định, bền vững. Thêm nữa, GDP của Myanmar còn thấp và đang ở vạch xuất pháp so với khu vực Đông Nam Á, vì thế trong vòng một thập niên tới khi chính sách mở cửa và cải cách đất nước thấm vào môi trường đầu tư, tốc độ tăng trưởng của quốc gia này sẽ cực kỳ mạnh mẽ vì biên độ tăng còn lớn.
Điều này đã được chứng minh, năm 2010, bầu Đức vào thăm dò thị trường Myanmar và ông đã mua được đất với giá rẻ, chỉ 25 USD/m2. Sau 3 năm, giá đất đã lên 80 - 100 USD/m2. So với cách đây 3 năm, giá đất thời điểm này đã chênh lệch giá trị hơn gấp 5 lần rồi. Bầu Đức chia sẻ: Từ khoảng cách chênh lệch về giá lớn như vậy, với vốn đất 8 ha mà ông chủ này mua được với giá rẻ, hiện tại, giá trị dự án của HAGL chỉ tính riêng tiền lãi từ đất đã là một con số khổng lồ.
Đầu tư vì yếu tố quốc gia
Bầu Đức chia sẻ, khi bất động sản trong nước đóng băng, nhắm vào "mỏ vàng" Myanmar không phải là "ván bài sống còn" của HAGL như nhiều người suy đoán. Lựa chọn đích đến Myanmar ngoài mục đích đầu tư như một mũi nhọn trong "chiếc kiềng 3 chân Lào - Campuchia - Myanmar", Chủ tịch HAGL dốc tiền vào Myanmar còn với nhiều ý nghĩa và mục đich quốc gia to lớn khác.
"Lý do đầu tiên, trước hết, tôi muốn khẳng định với thế giới: Việt Nam cũng có một doanh nghiệp lớn đầu tư tầm cỡ, không thua kém gì một số nước lớn khác đầu tư vào Myanmar như Singapore, Thái Lan, Nhật và Hong Kong. Lý do thứ hai, tôi đầu tư vào Myanmar với mong muốn thắt chặt tình hữu nghị hai bên giữa Myanmar và Việt Nam, nối chặt mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước này. Lý do thứ ba, sau khi hoàn thiện xong Dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê cao cấp trên tại Myanmar, tôi sẽ treo tấm biển Vina Tower, để người Việt Nam có thể tự hào về “nhà của Việt Nam”. Đó cũng là cách quảng bá thương hiệu, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam rất hiệu quả", bầu Đức tự hào nói.
Như vậy, theo Bầu Đức, yếu tố quốc gia của dự án này là rất lớn.
Liên tiếp dốc tiền
Đầu năm 2013, thị trường bất động sản "sốt" với thông tin bầu Đức dốc toàn lực xây khu phức hợp 300 triệu USD tại Yangon. Vị Chủ tịch HAGL bật mí: Nếu nhanh chân có thể hái tỷ USD khi địa ốc Myanmar nóng lên trong 5 năm tới. Ngày 4/2/2013, HAGL bắt đầu đưa 1.300 tấn máy móc, trang thiết bị xây dựng từ Việt Nam sang thành phố Yangon để phục vụ dự án phức hợp 300 triệu USD tại Myanmar. Đây là đợt xuất hàng đầu tiên của HAGL sang Myanmar để phục vụ dự án khu phức hợp này.
Theo bầu Đức, ngoài máy móc, năm 2013 tập đoàn sẽ xuất siêu sang Myanmar một khối lượng vật tư khủng. Dự kiến sẽ có 30.000 tấn sắt, 200.000 tấn xi măng và các loại vật liệu xây dựng khác: gỗ, đá, kính, nhôm, gạch... thậm chí là thiết bị hoàn thiện công trình như cơ điện đều từ Việt Nam vận chuyển sang Myanmar bằng đường thủy. Người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam dự báo khu phức hợp tại Myanmar sẽ cứu ngành bất động sản của HAGL.
Bầu Đức từng tuyên bố buông bất động sản Việt Nam nhưng tại Đại hội cổ đông diễn ra vào tháng 4/2013 của HAGL, bầu Đức cho biết năm 2013 "sẽ dồn toàn lực xây dựng khu phức hợp ở Myanmar và kỳ vọng vào thị trường mới nổi này chứ không phải Việt Nam".
|
Khởi công Dự án “Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center”. Ảnh: Kiến Thức |
Ngày 5/6 vừa qua, tập đoàn HAGL tổ chức lễ khởi công xây dựng dự án khu phức hợp Yangon và tuyên bố nâng tổng số vốn đầu tư cho khu phức hợp tại Yangon lên
440 triệu USD, tăng 47% so với dự toán ban đầu (300 triệu USD). Bầu Đức giải thích, sở dĩ tập đoàn quyết định tăng vốn cho khu phức hợp Hoang Anh Gia Lai Myanmar Center vì Chính phủ nước này đề nghị phải đầu tư khu phức hợp cao cấp theo tiêu chuẩn Mỹ. Nước bạn không chấp nhận thiết kế của Singapore như kế hoạch ban đầu. Tiêu chuẩn này làm thay đổi nhiều chi tiết liên quan đến kết cấu của công trình đẩy vốn đầu tư tăng vọt theo. Ngoài ra, dự toán sơ bộ của dự án được ước tính vào năm 2009, đến năm 2013 chi phí vật tư, nội thất bị đội lên nên tổng vốn đầu tư dự án này cũng tăng lên đáng kể. Với số vốn đầu tư "khủng" này, HAGL khiến các nhà đầu tư Việt Nam cũng như các công ty tư vấn, nghiên cứu bất động sản tham dự như CBRE, Savills bất ngờ. Đây cũng là số vốn đầu tư lớn nhất trong số các dự án nước ngoài đầu tư vào Myanmar.
Bầu Đức cho hay, khu phức hợp của HAGL được đầu tư xây dựng trên diện tích 8,2 ha có vị trí đắc địa tại trung tâm cố đô Yangon, được đầu tư theo hình thức BOT thời gian 60 năm, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I thực hiện trong năm 2013 - 2014, gồm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê hạng A cao 27 tầng với diện tích sàn xây dựng 161.843 m2. Ngoài ra còn có khách sạn 5 sao với quy mô 480 phòng nghỉ lưu trú và các dịch vụ tiện ích hạng sang theo tiêu chuẩn quốc tế. Giai đoạn II dự kiến hoàn thành vào năm 2016 gồm 1.800 căn hộ dịch vụ và văn phòng cho thuê với tổng diện tích 63.828 m2. Dự án sẽ có thời gian thi công kỷ lục, công trường hoạt động 24/24 để hoàn thành giai đoạn 1 trong 24 tháng và đưa vào sử dụng cuối năm 2014.
Dự án này sẽ góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 2.500 lao động tại chỗ. Sau khi hoàn thành, mỗi năm mang lại nguồn thu hàng chục triệu USD cho chính phủ Myanmar...
Với sự ra đời của Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center, hiện tại HAGL không chỉ là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên rót vốn vào lĩnh vực khách sạn và du lịch mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, chiếm 26% tổng vốn FDI vào lĩnh vực khách sạn và trung tâm thương mại Myanmar. Từ những phân tích trên cho thấy, điều mà bầu Đức kỳ vọng sẽ bội thu từ dự án ở Yangon là hoàn toàn có cơ sở.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU