Hơn 5 tháng TP Hà Nội tổ chức phân luồng giao thông, vậy mà người dân vẫn không thể quen với việc phân luồng.
- Đã hơn 5 tháng từ khi TP Hà Nội tổ chức phân luồng giao thông. Hơn 5 tháng, vậy mà người dân vẫn không thể quen với việc phân luồng. Bằng chứng là đoạn phố Xã Đàn trước cửa nhà tôi hầu như ngày nào cũng có ít nhất một vụ đâm vào dải phân cách.
[links()]
|
Biển phân làn giao thông trên đường Giải Phóng, Hà Nội |
Có những tối trời mưa, trong vòng 1 tiếng đồng hồ có tới 4 vụ đâm xe. Cả ô tô, cả xe máy. Cứ nghe ầm một cái, ngó ra là đã thấy xe ô tô thì bẹp rúm, xe máy bay một nơi, người thì trầy xước, chảy máu, còn bục hình tam giác kê trước cột biển báo đã bay cách đó một đoạn. Sáng nào cũng phải kê lại. Kể cả lúc đã xây thành cả một đoạn dài thì vẫn đâm, vẫn đổ. Thật không hiểu nổi!
Có người bảo cái biển to lù lù thế mà không nhìn thấy thì lạ thật. Nhưng tôi nghĩ có lẽ cái biển dựng lên đã rơi vào điểm mù hay sao ấy nên mới có nhiều người không nhìn thấy hoặc không nhìn rõ. Đi đứng cẩn thận như tôi mà nhiều khi cũng suýt đâm phải cột vì từ xa nhìn lại cả đoạn phân cách dài đằng sau cái cột chập lại thành một đường thẳng, rất khó nhìn thấy. Đang đi chỉ nhãng đi một chút là có thể bị đâm vào.
Biển báo gì đi nữa thì tiêu chí đầu tiên phải là an toàn. Một việc nhỏ như đặt cái biển báo phân làn, nếu làm ẩu, không có nghiên cứu khoa học để biết biển phải có màu gì, hình gì, kích cỡ thế nào... để người ta nhìn thấy thì sẽ gây nguy hiểm. Hơn nữa đã thấy dân bị đâm liên tục như thế rõ ràng là không an toàn rồi vậy mà vẫn cố tình không sửa thì thật lạ.
Còn nếu nói tới việc cần thiết phải phân luồng. Từ lâu trên đường đã có phân chia bằng vạch sơn rồi còn gì. Có quy định thế rồi, chỉ cần ai đi nhầm sang phần đường không phải của mình thì phạt, việc gì phải bày ra phân cách cứng như thế cho nguy hiểm thêm.
Minh Anh