Trên đường mới loáng thoáng người đi lại. Có hai bà cháu đèo nhau bằng xe đạp. Đứa bé chắc học lớp 7 - 8 gì đó, đeo cái cặp rõ to, trĩu trên vai. Gương mặt họ buồn và khắc khổ, nét điển hình của những người đã quen với vất vả. Chắc trường học rất xa nên mới phải đi sớm như thế.
|
Ảnh minh họa. |
Chiều, 4h đã phải về sớm để đi xếp hàng mua thẻ học cho con. Trung tâm này có tiếng dạy tốt nên rất đông, mỗi lớp phải đến 700 học sinh. Không đến sớm, mua phải thẻ phía dưới thì khó nghe giảng. Nên lần nào bố mẹ cũng phải đi sớm xếp hàng, khổ hơn thời bao cấp xếp hàng mua gạo. Mua được cái thẻ rồi lại khốn khổ mãi mới chen ra được. Rồi lại tự động viên, thôi mình chịu khổ một tí để con được ngồi hàng trên.
Ôi chao là cái sự học, sao mà phải vất vả đến thế. Ở lò luyện thi đại học này, tôi còn bắt gặp hình ảnh mấy cô bé vừa xếp hàng vừa giở bài tập ra làm, một nhóm vừa từ lớp học chính ra lại đến lớp học thêm nên tranh thủ ăn tạm cái bánh mỳ để có sức lát nữa lại tới một trung tâm khác... Có cô bé đi xe buýt từ đầu này đến đầu kia thành phố để học thêm chỉ vì chỗ này dạy tốt và lại rẻ.
Nhà tôi cũng rất nan giải việc đưa đón con cái đi học. Hai đứa học 2 trường cách xa nhau, đón được đứa này lại chở đến đón nốt đứa kia. Suốt ngày chỉ quanh đi quẩn lại chuyện đưa đón con. Con học lớp 1 đã phải đưa đi xa đến 5km để học vì nghe tiếng trường đấy tốt và hơn nữa mình lại có người quen ở đó. Chứ học gần nhà, chưa biết dạy dỗ thế nào nhưng tôi thấy trẻ con ở đó nói bậy kinh người. Thấy thế là đã sợ. Che chắn được tí nào cho con cái thì che thôi chứ biết trông chờ vào ai.
Và vì đó là sự lựa chọn của mình nên không dám kêu ai. Kêu thì người ta lại bảo, ai bảo cứ muốn hơn người, sao trường gần không học lại cứ thích xin học trái tuyến trường xa. Nào có ai muốn chuốc cái sự vất vả vào mình, nhưng khổ nỗi nếu trường nào cũng dạy tốt thì chả ai phải khổ thế làm gì.
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU