Học sinh bị nghi trộm tiền: Không lấy sao nhận tội?

Google News

(Kiến Thức) - Xung quanh vụ việc em Lại Thị Thẳm bị giáo viên giao cho công an hỏi cung - vừa được nhà trường công khai xin lỗi sáng nay - vẫn dấy lên nhiều băn khoăn về cách ứng xử của chính bản thân học sinh khi bị nghi trộm tiền.


 Dù không hề lấy tiền của cô, em Thẳm đã cúi đầu nhận tội. Nhìn lại tiến trình sự việc, chúng ta nhận em đã liên tục nói dối vòng vo về nơi số tiền cất giữ.

Lúc đầu em Thẳm không nhận mình lấy tiền của cô giáo Nguyễn Thị Thu, nhưng sau đó, trước mặt cô Thu và thầy tổng phụ trách đội cùng những giáo viên khác, Thẳm  đã gật đầu xác nhận và khai giấu ở nhà vệ sinh trên lầu 2. Cô bé nói dối mình giấu tiền ở nhà vệ sinh ở lầu 2 rồi ở đám cỏ sau hè, nhưng mọi người tìm kiếm nát đám cỏ vẫn không thấy.

Khi hai công an đến trường hỏi cung, Thẳm lại tiếp tục nói dối khi khai gửi tiền cho một người bạn học lớp 4, rồi ở nhà vệ sinh, đám cỏ, sọt rác. Bị đưa đến trụ sở công an xã, cô bé lại khai cột số tiền 1.9 triệu đồng của cô giáo, cột vào tờ giấy và bỏ ở hàng rào nhà trường. Sau khi tìm ở hàng rào không thấy, T lại nói đã đưa cho mẹ, trong khi mẹ em không hề sinh sống ở địa phương.

                      Không lấy tiền, điều gì khiến em nhận tội?

May mắn cho Thẳm là em đã được minh oan và xin lỗi khi cô giáo tìm lại được tiền trong giỏ của mình, nếu không không biết điều gì sẽ xảy ra khi em cứ tiếp tục nhận tội và nói dối.

Trước đó, đầu tháng 12/2012 cũng đã diễn ra một sự việc đau lòng. Em Nguyễn Thanh T., học sinh lớp 32, Trường Tiểu học Bình Nhì 1 (Gò Công Tây) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị nghi ngờ lấy cắp 500 nghìn của cô giáo. Điều đáng nói là khi cô giáo tra hỏi, em T. cũng nhận mình lấy và đưa cho mẹ. Ngày hôm sau, mẹ em T. đến trường khẳng định T. không hề đưa tiền cho bà.

Lúc này vì quá hoảng sợ nên T. nói là để ở trong mấy quyển tập. Nhưng khi về nhà T. cũng tìm không có. Bị mẹ trách mắng, quở phạt, quá uất ức nên T. đã lấy chai thuốc diệt cỏ uống tự tử. Hiện tại, em T. đã được cứu sống nhưng vẫn bị khủng hoảng tâm lý.

Trao đổi về sự việc này, chuyên viên tâm lý Ngô Toàn cho rằng có nhiều lý do khiến trẻ nói dối, song tựu trung nói dối có thể trở thành một cách thức dễ dàng để giải quyết vấn đề mà chúng nghĩ rằng nhờ vậy thì chuyện rắc rối sẽ không còn nữa. Trẻ thường bắt đầu nói dối ở tuổi 2,3. Các em có thể nói dối để tránh sự trách phạt, làm cho chính mình cảm thấy hoặc trông có vẻ tốt đẹp hơn, khỏi làm bài tập, công việc được giao hoặc giúp bạn bè khỏi vướng vào vòng rắc rối…

“Mặc dù nói dối là vấn đề thường gặp ở trẻ em trong tiến trình phát triển thì việc biểu hiện không thành thật có trở thành thói quen của trẻ hay không phụ thuộc phần lớn vào cách thức đáp ứng của người lớn” - chuyên viên tâm lý này nhận định.

Ông Ngô Toàn chỉ rõ, trong sự việc học sinh lớp 2 bị giáo viên giao cho công an nói trên, yếu tố quyền lực đã bị thầy cô giáo và lực lượng công an lạm dụng, khiến trẻ hoảng sợ, lâm vào hoàn cảnh bị thúc đẩy nói dối thêm. Em cho rằng khai bừa đi thì sẽ không bị tra hỏi và trừng phạt nữa. Việc người lớn (công an, giáo viên, bố mẹ) đặt ra quá nhiều nguyên tắc, trừng phạt khắc nghiệt nếu trẻ vi phạm khiến trẻ khó cởi mở chia sẻ thành thật với người lớn.

“Giải pháp tối ưu ở đây là tìm ra sự cân bằng hợp lý nhất trong cách đáp ứng với việc trẻ nói dối là giúp trẻ hiểu nói dối là sai trái song trẻ vẫn sẽ muốn tìm đến người lớn để nói sự thật.”

 Để làm được điều này, khi trẻ nói ra sự thật nào đó, dù là những sai lầm hay tội lỗi của trẻ, bố mẹ cũng nên lắng nghe, tôn trọng và khen ngợi vì sự dũng cảm thành thật của con. Con sẽ biết được rằng nói thật không đồng nghĩa với rắc rối, nói thật là điều tốt đẹp, nên làm và được bố mẹ đánh giá cao.

 Về lâu dài, người lớn nên đặt ra một vài nguyên tắc, giải thích lý do vì sao, mong trẻ vâng lời và nhất quán thôi thúc chúng. Nhờ vậy, đứa trẻ sẽ ít nói dối hơn, cởi mở hơn với người lớn và ít che giấu các chi tiết liên quan đến cuộc sống  của chúng, chuyên viên tâm lý này khẳng định.

 TIN LIÊN QUAN

TIN NỔI BẬT

Hướng Dương

Bình luận(0)