Vì sao người phẩm hạnh tốt vẫn không gặp may mắn trong đời?

Google News

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta gặp những số phận éo le, họ có phẩm hạnh tốt nhưng số mệnh lại không tốt, vì sao vậy?

Điều đó có phải là, người có phẩm hạnh tốt thì không được lòng người? Còn người có phẩm hạnh, đạo đức không tốt thì lại được mọi người hoan nghênh, quý trọng? Kỳ thực, cách nghĩ này là sai lầm, ngàn vạn lần không thể suy nghĩ như vậy được!
Con người một khi bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn, chưa tìm ra được lối thoát cho mình thì thường có suy nghĩ tiêu cực như vậy. Thậm chí còn buông lơi, không tận dụng ưu điểm của mình để cố gắng.
Vận mệnh của một người tốt hay xấu là có mối quan hệ khăng khít nhất định với phẩm hạnh của người đó. Nhưng cũng không phải là tuyệt đối. Mỗi một giai đoạn của cuộc đời một người sẽ có một vận thế không giống nhau.
Ảnh hưởng của phẩm hạnh, đạo đức đa phần được thể hiện rõ ra ở tuổi trung niên, là một loại phúc báo do tích lũy mà có. Một trường hợp tương đối rõ ràng chính là, có người lúc ở tuổi thanh niên thì sự nghiệp rạng rỡ dù phẩm hạnh không tốt.
Nhưng đến tuổi trung niên những điều phiền toái, bệnh tật, xung đột, thị phi, nghèo đói, mọi việc không thuận lợi sẽ dần dần hiển lộ ra.
Có hay không trường hợp người có phẩm hạnh tốt nhưng cả đời lại không gặp may? Kỳ thực là cũng có, nhưng những người ấy, tuy rằng vận thế không “xán lạn, rực rỡ” nhưng lại có một cuộc đời ổn định, vững vàng.
Những người có phẩm hạnh đạo đức không tốt nhưng nửa đời người vẫn thường xuyên gặp may thì đại đa số sẽ gặp phải hậu quả rất xấu và rất nhanh đến ngay khi vận thế của họ kết thúc.
Cho nên, người có phẩm hạnh đoan trang đừng vì vận thế nhất thời không tốt mà hoài nghi và lo lắng. Đời người là một quãng thời gian tương đối dài, giữ vững năng lượng thuần chính của bản thân, kiên định với mục tiêu của mình mà hướng về phía trước.
Người có phẩm hạnh không tốt, cũng đừng nghĩ rằng một khoảng thời gian nhất thời có sự nghiệp sáng lạng mà cho rằng đó đã là sự thể hiện ra giá trị của đời người.
Người xưa vẫn thường nói: “Danh lợi đời người, khi sinh không mang theo đến, khi chết không mang theo đi cho nên nó chỉ như mây khói mà thôi!” Chỉ có đức của một người mới là được lưu lại mãi mãi, cho nên đừng nhất thời vì chút “hào quang” mà đánh mất phẩm hạnh, đạo đức của bản thân mình!
Mười phẩm hạnh đạo đức nhà Phật cần ghi nhớ
Khiêm hạ: Khiêm hạ là một hành xử đạo đức vắng bóng tự ngã, dẹp tan kiêu mạn.
Tàm quý: Biết tự hổ thẹn với mình và với người.
Trung thực: Trung thực với chính mình và với tha nhân là hai tính chất chủ yếu.
Kiên định: Kiên định là ý chí, là sự vững vàng trong quyết định, trong dự tính, trong mối quan hệ, trong lý tưởng hay con đường đã chọn.
Không phóng dật: Không phóng dật là không buông lung, không chạy theo dục vọng, siêng năng tu tập các pháp lành. Đây là chuẩn mực đạo đức quan trọng, được đề cập trong nhiều bản kinh.
Nhẫn nhục: Nhẫn nhục là sự chịu đựng, chấp nhận những khổ đau, bức bách, hủy nhục, khó chịu… do các điều kiện bên ngoài đem đến, nhưng tâm tư vẫn an tịnh.
Biết ơn: Biết ơn được hiểu ở đây bao hàm cả việc báo ơn.
Buông xả: Buông xả là nghệ thuật ứng xử trong các mối quan hệ, là sự buông bỏ những ý nghĩ mừng vui, lo khổ đồng thời nỗ lực từ bỏ các tật xấu tích lũy từ nhiều đời.
Dấn thân: Dấn thân là sự phát tâm vì lợi ích của tha nhân, trong một số trường hợp phải chấp nhận sự hy sinh, mất mát. Dấn thân là hành động mang tâm nguyện Bồ-tát, vì đó là sự phát tâm đem lại lợi ích cho nhiều người.
Tiết tháo: Tiết tháo là khí tiết, là danh dự và phẩm vị của con người. Sống đúng với chuẩn mực đạo đức cơ bản của một con người, theo những nguyên tắc đạo đức làm nền tảng nào đó, được gọi là tiết tháo.
Theo Phunutoday

Bình luận(0)