Sao lại phải cúng sao giải hạn chi cho... mệt?

Google News

Có bạn trẻ hỏi tôi về việc cúng sao giải hạn có thật là hiệu quả không và cho biết, có người nói năm nay bạn bị sao Kế Đô, hạn xấu, phải cúng giải hạn mới được yên.


Tôi trả lời vui rằng, bạn muốn cúng sao hay không cúng sao giải hạn thì cũng… chẳng sao đâu, quan trọng ở chỗ là mỗi ngày bạn sống có… ra sao hay không thôi.
Thực ra, tập tục cúng sao vốn có từ rất xưa trong Bà-la-môn giáo ở Ấn Độ, sau đó ảnh hưởng đến Trung Hoa, rồi mới qua nước mình.
Sao lai phai cung sao giai han chi cho... met?
Cúng sao giải hạn của Bà-la-môn giáo ở Ấn Độ. 
Các nhà chiêm tinh xưa cho rằng mỗi năm mỗi người đều có 1 trong 9 sao chiếu. Chín vị sao này, Phạn ngữ gọi là Navagraha, Trung Hoa dịch là Cửu diệu, trong đó có 3 sao tốt gồm Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức; 3 sao xấu có La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch và 3 sao trung là Vân Hớn, Thổ Tú, Thủy Diệu. Và họ (những nhà chiêm tinh - NV) cho rằng ai trúng vào sao xấu chiếu mạng thì phải cúng giải hạn mới… hết hạn.
Tôi nghĩ, nếu 9 vị thần sao đó có khả năng “điều khiển”, làm chủ vận mạng của ta, hay “xí xóa” khỏa lấp được những việc làm xấu ác của con người, thì luật công bằng, nhân quả ở đâu? Chúng ta đã hiểu rõ chưa về giáo lý Nhân quả mà Đức Phật truyền đạt?
Kinh Phật có câu: “Muốn biết quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì (làm tốt hay xấu) thì cứ nhìn cái quả (vui hay khổ) mà chúng ta đang có hôm nay. Muốn biết tương lai chúng ta thế nào thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại”.
Đức Phật cũng đã khuyên các thầy Tỳ-kheo, không nên làm những việc xa rời chánh pháp như: “chiêm tinh, chiêm tướng, đoán số mạng, xem mặt trăng, mặt trời, các sao mọc lặn, sáng mờ…, dùng bùa chú để giúp người được may mắn, dùng bùa chú để khiến người bị rủi ro…” (trong kinh Trường Bộ - Kinh số 2, Sa-môn quả).
Xin kết luận bằng 4 câu dưới đây (trong kinh Tiểu Bộ - Tập 4 - HT.Thích Minh Châu dịch), mọi người đọc và cùng suy ngẫm nhé:
“Chờ đợi các vì sao,
Kẻ ngu hỏng điều lành,
Điều lành chiếu điều lành,
Sao trời làm gì được?”.
Thích Nhuận Thường/Giác Ngộ

Bình luận(0)