Chữ Hán là một loại chữ tượng hình, tức là thông qua hình tượng mà người ta có thể đoán được nội hàm của nó. Trong tiếng Hán, chữ Dụ (Đầy đủ, dư dật: “裕”) và Dục (Tham lam: “欲”) là hai chữ đồng âm và có cấu tạo gần giống nhau, nhưng hàm nghĩa và ý nghĩa lại trái ngược nhau.
Trải qua những năm tháng lịch sử, chúng ta biết rằng, Trung Hoa cổ đại là đất nước nông nghiệp. Tổ tiên của người Trung Hoa thông qua trồng trọt cày cấy mà có cái ăn cái mặc. Cũng bởi vì thế mà người Trung Hoa xưa rất quan tâm đến sự thay đổi của thời tiết, nên ở khắp mọi nơi đều có lễ hội tế lễ Thần linh. Họ làm như vậy là mong được mưa thuận gió hòa, mong được có mùa màng bội thu.
|
Ảnh minh họa. |
Người cổ xưa sống đạm bạc nhưng lại vô cùng vui vẻ và thư thái, họ cho rằng cuộc sống như vậy đã là giàu có. Bởi vậy, ngay từ chữ giàu có “裕” đã nói lên tất cả ý nghĩa “như thế nào là giàu có và sung túc?”
Chữ Dụ (đầy đủ, dư dật: “裕”) do chữ Y (y phục, quần áo: “衣”) kết hợp với chữ Cốc (Ngũ cốc, lúa gạo “谷”) tạo thành. Nhìn vào chữ ấy có thể thấy, người xưa cho rằng, chỉ cần có quần áo mặc và có lương thực để ăn thì đã là giàu có và sung túc rồi. Ăn no mặc ấm thì liền cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc nên phải cảm ơn ân đức của Thần linh. Điều này cũng giống với đạo lý mà người xưa thường nói: “Thấy đủ thường vui!”
Nhìn một chút về cuộc sống của con người ngày nay có thể thấy, việc ăn no mặc ấm đã sớm đạt được rồi. Rất nhiều người không chỉ còn là “ăn no mặc ấm” mà còn có điều kiện “ăn ngon mặc đẹp”. Nhưng như thế vẫn chưa thỏa mãn được dục vọng của con người, vì vậy mà con người vẫn cảm thấy không vui. Đây hết thảy đều là do chữ “Dục” mà thành.
Từ chữ Dục (lòng tham:“欲”) có thể thấy rõ ý nghĩa này. Chữ Dục (“欲”) là do chữ Cốc (ngũ cốc, lúa gạo “谷”) kết hợp với chữ Khiếm (thiếu, không đủ: “欠”) tạo thành. Điều đó ngụ ý rằng, đã có thực phẩm để ăn no rồi nhưng vẫn còn cảm thấy thiếu thì đó chính là tham lam, là không biết đủ.
Dục vọng của con người là vô cùng vô tận, nếu không học được biết đủ, không tu tỉnh lại bản thân, chỉ chạy theo dục vọng thì sẽ có ngày mất mạng. Đúng như người xưa giảng: “Thấy đủ thường vui, quá tham thì mất mạng!”