Nghĩ về từ "gieo duyên" khi nói về phật pháp

Google News

Duyên lành sẽ tạo quả lành, nghiệp lành và ngược lại. Nhìn theo sự vi tế, một lời nói tốt (ái ngữ) cũng là tạo duyên lành và một câu ác khẩu đã là duyên dữ. 

Có thuận duyên và nghịch duyên. Thuận duyên thì sự kết tụ dễ, nghịch duyên thì nan giải.
Là người sơ cơ, song có cố gắng tìm hiểu Phật pháp và cũng có đọc kinh điển, rất hứng thú khi nghĩ về khái niệm duyên trong đạo Phật với hàm nghĩa rất rộng và tính khái quát cao, vi diệu lắm. Phật nhìn sự vận động của vạn vật từ vật chất hữu vi đến tư tưởng (vô vi) qua mối quan hệ có tính quy luật duyên, đơn giản song đấy là chân lý.
Hết thảy đều hợp tan theo duyên, đủ nhân duyên thì thành tựu, thiếu hay hết duyên thì tan, nói theo ngôn ngữ triết học hiện đại đấy là quy luật khách quan không thể khác. Khái niệm duyên trùm khắp, chi phối hết thảy, hữu cơ gắn bó hết thảy và nếu không hiểu thấu đáo khái niệm này sẽ là khó khăn khó vượt quan nếu muốn thấm thía Phật pháp.
Nghi ve tu
 Ảnh minh họa. 
Tôi rất tâm đắc với một hình tượng có giá trị diễn giải mà trong đấy chữ duyên có ở mọi chỗ: Một chiếc xe đạp có nhiều bộ phận mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào dù nhỏ nhất thì dứt khoát không thành chiếc xe đạp, dù món thiếu chỉ là bộ căm hay niền xe, vỏ xe, sườn... Xe đạp thành hình hoàn thiện nhờ hết thảy các bộ phận ấy “kết duyên” với nhau tạo thành, và chữ duyên tất nhiên không chỉ nói về chiếc xe đạp ấy, quan hệ vợ chồng, cha con, bạn bè... cũng do duyên, ngay cả vũ trụ vĩ đại khó tiên lượng cũng do duyên và tùy duyên.
Nội hàm duyên theo một cách nhìn có tính học thuật và xét theo triết học, hàm chứa nhiều khái niệm tương thuộc có thể mạo muội diễn giải chút theo tiếng Việt bình dân, mang hơi thở cuộc sống: Tạo duyên, gây duyên, duyên lành, kết duyên...
Như mọi sự, có duyên lành và duyên dữ. Duyên lành tất tạo quả lành, nghiệp lành và ngược lại. Nhìn theo sự vi tế, một lời nói tốt (ái ngữ) cũng là tạo duyên lành và một câu ác khẩu đã là duyên dữ. Có thuận duyên và nghịch duyên. Thuận duyên thì sự kết tụ dễ, nghịch duyên thì nan giải.
Đấy chỉ là chút xíu thu hoạch về khái niệm duyên trong Phật pháp của một cư sĩ sơ cơ, cạn nghĩ. Để nói rốt ráo về duyên cho quán triệt lời Phật, có lẽ cần rất nhiều công phu nghiên cứu của bậc cao thâm.
Gần đây, trong một số sự kiện phật sự và truyền thông, nhận thấy có tính mới khi đề cập đến nội hàm duyên, đấy là cách sử dụng từ gieo – duyên theo nghĩa khởi tạo duyên (lành): Tôi gieo duyên cho anh gặp một người có thiện ý với phật pháp, gieo duyên cho công việc từ thiện... nghe hay hay.
Trong bối cảnh sự “chuyển dộng” của ngôn ngữ trong các trào lưu xã hội, nhất là trong giới trẻ và những tính mới về ngôn ngữ do hội nhập mạnh và yếu tố công nghệ, Phật giáo không là ngoại lệ.
Là người học ít, nhưng thiển nghĩ: xét về ngữ pháp, từ gieo - duyên nếu không trùng về nghĩa thì cũng gần gũi với trường nghĩa: Tạo duyên, gây duyên, kết duyên.. trong ngôn ngữ đời sống, nhưng sắc thái biểu cảm khá hay, có tính văn chương và thẩm mỹ khá và có lẽ chính vì thế mà thấy “nó” xuất hiện cả trong những bài phát biểu chính thức có tính nhà nước và trong cả giáo trình liên quan đến Phật giáo. Cũng theo chiều lạm ngôn “cả gan” của người sơ cơ học ít, tôi tho rằng gieo - duyên xứng đáng được đánh giá như một sáng tạo về ngôn ngữ trong học tập, quán triệt và biểu đạt Phật pháp trong bối cảnh người ta dễ giải hơn rất nhiều khi nói về sáng tạo ngôn ngữ, ngày nay.
Cá nhân tôi, tất nhiên, khá thích từ ngữ này, do những lý lẽ như vậy.
Theo Nguyễn Thành Công/Phật giáo Việt Nam

Bình luận(0)