Ngày thầy thuốc nghĩ về “tiêu tai tăng diên thọ”

Google News

Là một sự trùng hợp, ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2) năm nay trúng vào những ngày Pháp hội Dược Sư - Tiêu tai tăng diên thọ cầu nguyện quốc thái, dân an.

Ngày Pháp hội Dược Sư do Thành hội Phật giáo TP.HCM tổ chức, diễn ra 3 ngày, từ 26-28/2, tại chùa Huê Nghiêm, Q.2, TP.HCM.

Hằng năm, vào những ngày đầu năm, tháng Giêng âm lịch, Phật tử khắp nơi lại quay về chùa lễ Phật, lễ Tổ, tham gia khóa lễ cầu kinh, tụng kinh Dược Sư, niệm danh hiệu Phật, phụng đọc, trì chú với niềm kính ngưỡng, “nguyện ngày an lành, đêm an lành”. Tất nhiên, với Phật tử thấm nhuần giáo lý thì không chỉ cầu cho mình và người thân mà còn cầu nguyện cho quốc thái, dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc…

 Đức Phật Dược Sư, khi Ngài còn tu hạnh Bồ-tát đã phát ra 12 nguyện lớn, chữa lành mọi khổ đau của chúng sinh...

Với việc quay về nương tựa Tam bảo (Phật-Pháp-Tăng) như thế thì người con Phật dù đã thực hiện pháp quy y hay chưa cũng đều cảm thấy “an” ít nhiều. An vì Phật, Bồ-tát là những bậc giải thoát, lúc nào cũng nhớ nghĩ và thương chúng sinh; vì những lời dạy của Phật luôn là kim chỉ nam đi tới bến bờ giải thoát; vì Tăng-già là đoàn thể đẹp, tiếp nối hạnh nguyện độ sinh của Phật sẽ lắng nghe những nỗi khổ, chỉ dẫn mình phương pháp giải khổ, kiến tạo hạnh phúc…

Do đó, những lo lắng, phiền não phần nào xóa bớt hoặc gội sạch từ những giây phút trở về nương tựa Tam bảo, thông qua việc đến chùa lạy Phật, đọc tụng tôn kinh… Bên cạnh đó, việc đọc tụng, hiểu nghĩa kinh (dạy làm lành, lánh dữ, quán chiếu nhân quả, vô thường…) mà biết sám hối, phát nguyện làm lành, bỏ ác nên thực hành theo và kết quả liền có mặt (hiện báo) là niềm an vui, hạnh phúc, hân hoan. Việc lành đầu tiên là “lễ kính chư Phật” (như hạnh Ngài Phổ Hiền) Phật tử đã làm tích cực trong dịp đầu năm chính là thuốc chữa lành những vết thương trong tâm mình do quá trình va chạm, lao chen với cuộc sống.

Do vậy, mùa xuân, cùng với Pháp hội Dược Sư hay khóa lễ tụng kinh Dược Sư ở các chùa trong những ngày tháng Giêng giống như một dịp để người con Phật cũng như người mến Phật có “hóa thành” để nghỉ mệt, để nhìn lại mình, để “siêu âm” mà tầm soát những dấu hiệu “ung nhọt” có khả năng gây bệnh, tước đoạt mạng sống trí huệ của mình để mà trị liệu. Trị liệu bằng cách “sám hối nghiệp chướng”, bằng “tùy hỷ công đức”, bằng “xưng tán Như Lai” hay “quảng tu cúng dường” là tùy khả năng, điều kiện thực tế của mỗi người. Nhưng, tóm lại, cứ nghĩ-nói-làm những điều tốt, điều lành và đoạn những việc không lành (hại mình, hại người) là diệu dược để chữa lành khổ đau, kiến tạo hạnh phúc rồi.

Trở lại câu chuyện của ngày thầy thuốc, của những người làm nghề được gọi tên là “lương y” hay “bác sĩ” và được ví von là “mẹ hiền” để thấy bác sĩ cũng là người nên cũng sẽ có bệnh và cũng cần được chữa trị.

Bệnh ở thân thì dùng thuốc (tây dược lẫn đông dược) để trị, và bệnh ở tâm thì cần phải dùng “diệu dược” của của Phật kê mà trị. Phương ngôn “thầy thuốc như mẹ hiền” được nhắc lại mỗi năm một lần e rằng quá ít, mà nó cần phải được nhắc mỗi ngày, bởi ít ra nó cũng là kim chỉ nam để làm nghề và để người làm nghề trở nên cao quý.

Danh tiếng con người không phải chỉ được đo đạc bằng tài năng mà còn bằng đức hạnh. Làm thầy thuốc là một nghề “nhạy cảm”, bởi ta dễ trở nên vô cảm nếu chỉ nghĩ đơn thuần đó là nghề để mưu sinh. Vì nếu chỉ nghĩ đơn thuần như thế thì thầy thuốc dễ “mở cờ trong bụng” khi người ta khổ vì bệnh, khi nhiều người bị bệnh đến với mình. Đơn giản, vì khi ấy, người thầy thuốc sẽ được bán thuốc, sẽ có công ăn việc làm nhiều và thu nhập cao.

Do vậy, quán niệm về nghề để giữ thiên lương, tính người (biết sẻ chia, biết đau, biết cảm thông với cái đau của người bệnh) chính là bài thuốc trị bệnh tâm cho người thầy thuốc. Để, rủi một giây phút nào đó nhận thù lao thiệt cao nơi bệnh viện hay khi tính lãi, lời từ việc bán thuốc người làm nghề y-dược không nên vội mừng vui, mà hãy nghĩ đến nỗi khổ bệnh tật của những “khách hàng” của mình. Giữ gìn lòng từ bi từ chính ý niệm như thế cũng là giữ cho Phật tánh trong mình lung linh, không bị lu mờ bởi những niềm vui từ vật chất, tiền tài kiếm được trên nỗi khổ người khác.

Thêm vào đó, thời buổi này, nhiều thầy thuốc khó giữ mình trước “cơn lốc” hoa hồng. Sự cám dỗ của đồng tiền đủ lớn để quật ngã nhiều người làm nghề y và hành vi sẵn sàng kê đơn thuốc có nhiều thứ thuốc trong danh mục hoa hồng do các công ty dược chào mời, hứa hẹn chi trả đã biến thầy thuốc trở thành kẻ bóp nghẹt bệnh nhân (vốn đã khổ càng khổ thêm).

Đó không phải là chuyện lo xa mà nó rất thực tế, rất cần được nhắc đi, nhắc lại cùng với phương ngôn “lương y như từ mẫu” để những y-bác sĩ không quên chức phận cao cả của mình, rằng, làm nghề không chỉ để mưu sinh mà còn (quan trọng hơn) là để cứu người, để nối dài cánh tay của Thí Vô Úy Giả (Quán Thế Âm Bồ-tát) mà “ban vui, cứu khổ”, hiến tặng bằng an… Làm được vậy, thì người thầy thuốc cũng đang “cứu” chính mình khỏi sa vào ác đạo, trầm luân, có nghĩa là đã “tiêu tai diên thọ” cho chính mình vậy!

TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo Giác Ngộ Online

Bình luận(0)