Cúng sao giải hạn tập thể có “linh nghiệm“?

Google News

Cứ mỗi dịp đầu năm, nhiều gia đình lại tìm đến chùa, đền làm lễ cúng sao giải hạn. Tuy nhiên, cúng sao tập thể là không đúng, vì mỗi sao giáng vào một ngày, một giờ nhất định...

Cúng sao giải hạn ở đâu?

Theo ông Phạm Quang Tuyến, Trung tâm UNESCO nghiên cứu cổ học Phương Đông, người xưa có quan niệm về 9 ngôi sao (cửu diệu), phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành. Theo đó, mỗi tuổi âm lịch hàng năm chịu ảnh hưởng của một vì sao (chiếu mạng), có năm gặp sao tốt, có năm gặp sao xấu. Có người cho việc giải hạn sao xấu là tín ngưỡng dân gian, một số cho đó là mê tín dị đoan, nhưng phần lớn người dân cho là “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.


Ở mục hướng dẫn cúng sao giải hạn trong cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam, Thượng tọa Thích Thanh Duệ - Phó trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã viết: Người xưa làm lễ dâng sao giải hạn tại chùa hoặc tại nhà. Ngoài hương hoa, phẩm oản, tiền vàng và 36 đồng tiền, mỗi ngôi sao phải dùng số nến (xếp theo hình sao), bài vị, mũ có màu tương ứng với ngũ hành của từng sao và lễ theo hướng khác nhau. Ví dụ, sao Thái Dương cúng ngày 27, phải thắp 12 ngọn nến, hướng chính Đông làm lễ. Sao Thái Âm cúng ngày 26 với 7 ngọn nến, bài vị vàng, mũ vàng, hướng chính Tây. Sao Mộc Đức cúng ngày 29, với 15 ngọn nến, bài vị đỏ, mũ đỏ, hướng Nam. Sao Kế Đô cúng ngày 18, với 21 ngọn nến, bài vị vàng, mũ vàng, hướng chính Tây…

Theo ông Phạm Quang Tuyến, nhiều người không biết nên cứ nhờ thầy cúng sao giải hạn hộ (thầy cúng tập thể cho vài trăm người/lần). Tuy nhiên, cúng sao tập thể là không đúng, vì mỗi sao giáng vào một ngày, một giờ nhất định và làm theo đúng ngày giờ ấy thì hiệu quả mới cao. Cúng sao giải hạn ở nhà cũng tốt hơn vì theo nguyên tắc cúng sao giải hạn tháng nào cũng phải làm và làm ở nhà. Cúng sao giải hạn nên cúng ngoài trời, nhà nào không có sân thì nên cúng trên sân thượng hoặc bày sát cửa cũng được. Lễ nghi đơn giản, chỉ cần hương, hoa quả, nước, đèn nến. Nhưng phải sắp đèn nến đúng hình sao, đúng phương hướng sao… nên tự làm theo sách hướng dẫn là tốt nhất. Có thể nhờ thầy làm hộ một lần đầu năm, còn những tháng sau nên tự làm.

Ông Vũ Ngọc Canh, chủ nhang đồng đền Bà Chúa Kho (Giảng Võ, Hà Nội) cho biết, năm nay có 6 sao bị quan niệm là xấu phải giải hạn là La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch, Thổ Tú, Thuỷ Diệu, Vân Hán. Giá dâng sao giải hạn thường từ 200.000đ- 600.000 đ/lễ cho đại gia đình khoảng 10 người hoặc có những điện thờ nhận giải hạn với giá 2 triệu đ/lễ cho cả đại gia đình.

Lên chùa chỉ nên cầu an

Ông Trịnh Yên, Giám đốc Trung tâm UNESCO dòng họ Việt Nam cho biết, việc cúng sao giải hạn không phải của nhà sư, mà là của thầy pháp làm. Trong tín ngưỡng Phương Đông có 2 hình thức: Một là tín ngưỡng Phật, theo Phật để noi gương, hỉ xả. Còn hình thức tín ngưỡng Ngọc Hoàng là có dâng sao, do thầy pháp làm.

 Lễ cầu an ở chùa Cẩm Thực (Quảng Ninh). 

Theo các nhà tâm linh, chùa chiền là nơi nghiêm tịnh, không phải nơi cầu thần tiên, hên xui may rủi, cúng sao giải trừ hạn xấu. Nhưng vì người dân “cầu” nên chùa phải “cung” để dân đến chùa làm lễ cúng sao giải hạn. Một số ít chùa ảnh hưởng tín ngưỡng dân gian đa thần thì “tùy duyên hóa độ”, vừa làm nghi thức Phật giáo, vừa dùng phương tiện để hóa độ chúng sinh quay về bờ giác.

Thượng tọa Thích Huệ Thông, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương, trụ trì chùa Hội Khánh (Bình Dương) cũng từng nói, cúng sao giải hạn là tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu, khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam thì cũng tùy thuận theo cái tập tục có sẵn ở từng địa phương và theo từng hoàn cảnh, theo từng vị trụ trì của những  ngôi chùa khác nhau mà chuyển sang hình thức cúng cầu an.

Đầu năm các chùa đều làm lễ cầu an, hướng niềm tin của người dân vào Phật, giúp người dân trở về với Phật tính, tránh làm việc xấu, giảm tạo nghiệp xấu, biết ăn năn sám hối và hướng thiện để khởi lòng từ bi ở đâu thì nơi đó giải trừ được oan khiên nghiệp báo. Người đi lễ chùa cần thành kính hướng về Tam bảo cầu nguyện, mở rộng tấm lòng hồi hướng, công đức cho mọi người thì sẽ đạt được hạnh lành, an lạc, hạnh phúc.

 Theo các nhà tâm linh, với Phật giáo, không có ngày xấu, ngày tốt, cũng không có sao hạn xấu – tốt hoặc sao nào chiếu vào con người mà mang lại phúc hay họa. Tất cả đều do luật nhân quả, gieo nhân nào thì gặp quả đấy.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo Giadinh.net

Bình luận(0)