Mơ một mùa Phật đản

Google News

Tinh hoa của Đạo Phật, sự linh thiêng, thánh thiện, sự trường tồn trong gian khổ của Đạo Phật là ở chỗ đó. 

Làm như thế là chúng ta sẽ thể hiện đúng tinh thần của Ngài Phổ Hiển Bồ Tát trong Pháp Hội Hoa Nghiêm “Hằng thuận lợi ích của chúng sinh là cúng dường chư Phật".
Ngày nay Đại lễ Vesak (Hợp nhất của ba ngày Đản Sinh, Thành Đạo và Nhập diệt) của đức Phật đã được Liên Hiệp Quốc công nhận. Trong ngày lễ này, Tổng Thư ký LHQ, các vị nguyên thủ quốc gia, các giới chức chính quyền cao cấp tại những quốc gia Phật giáo, hoặc tham dự hoặc gửi điện văn chúc mừng, chiêm bái tự viện, viếng thăm hoặc dâng hoa cúng dường chư tăng ni và Lễ hội Phật đản đã được quần chúng tổ chức trang nghiêm, cung kính.
Tuy nhiên theo thiển ý nó vẫn chưa cân xứng với tầm vóc của một tôn giáo hiện diện trên 2500 năm mà vị giáo chủ là một bậc thầy vĩ đại của nhân lọai mà giáo pháp của Ngài đang dần dần trở thành lương tâm của nhân lọai. Một tôn giáo mà quá trình phát triển của nó không làm tổn hại tới một sinh linh, không hủy diệt văn hóa, truyền thống bản địa, không bị kết tội diệt chủng, không gây thánh chiến, không khủng bố, không tiến hành những cuộc chinh phạt đẫm máu. Một tôn giáo tối thiện, tối lành, thực tiễn nhưng vô cùng khiêm tốn.
Một tôn giáo như thế thì ngày đản sanh của đức giáo chủ phải được tổ chức như thế nào- không ngòai mục đích làm sáng tỏ những đức tính ưu thắng của Phật giáo, đồng thời cũng là dịp để chúng sinh được tắm gội trong “pháp vũ”, hiển lộ Phật tánh có sẵn trong tâm mình, để từng chúng sinh, từng bộ tộc, từng quốc gia hoặc toàn thế giới, ít ra có một ngày sống trong thanh tịnh, giải thóat, yêu vui, thương yêu, cảm thông với nhau.
Trong tinh thần đó, tôi đã mơ một mùa Phật đản trong đó những gì chúng ta không nên làm và những gì chúng ta cần phải làm. Những điều đó như sau:
1) Không nên mua sắm ồn ào, tiệc tùng hoang phí, đốt pháo bông (pháo hoa). Thanh niên, thiếu nữ không nên lái xe đua lượn trên đường phố để biến ngày linh thiêng thánh thiện thành một ngày gây chết chóc vì tại nạn lưu thông, ăn nhậu thỏa thích, là một dịp để chào hàng, quảng cáo, bán buôn, tiêu thụ.
2) Là ngày mà các nhà máy nghỉ ngơi, tạm ngưng nhả khói lên trời để tòan dân được thở hít không khí trong lành. Mùa Phật Đản cũng là mùa bảo vệ môi trường.
3) Ngày mà các lò sát sinh ngưng họat động để chúng ta không tạo thêm nghiệp dữ, và cũng để cho trâu, bò, lợn, gà… có thể sống thêm một ngày, vì lòai vật cũng có tình cảm và yêu mến cuộc sống như chúng ta. Ngày Phật Đản là ngày không giết hại và bảo vệ thú vật.
4) Ngày mà các trò chơi săn bắn, đua ngựa, đấu bò, chọi gà, câu cá...cũng tạm ngưng để cho lòai thú được nghỉ ngơi, chúng nó được rong chơi, chúng nó được nhởn nhơ, bơi lội, bay lượn.
5) Ngày mà nhà nhà, người người đều ăn chay, không cần những món ăn cầu kỳ …vừa bảo vệ sức khỏe, hơi thở nhẹ nhàng thơm tho, vừa nhắc nhở mình trau giồi đạo đức.
6) Ngày mà phụ nữ không đeo nữ trang, không mặc áo lông thú, không xức nước hoa bởi vì người phụ nữ không phải chỉ đẹp vì kim cương, vàng bạc, lụa là mà còn đẹp vì phẩm hạnh nữa.
7) Ngày mà các các quán nhậu, bia ôm, tắm hơi, đấm bóp, phòng trà, ca vũ, sòng bài cũng tạm đóng cửa để tâm hồn được thanh thản, để có dịp lắng đọng tâm tư, giống như những giây phút nghỉ ngơi cho một một chiếc xe, một con tàu trong cuộc hành trình dài.
8) Ngày mà các pháp đình ngưng xét xử, án tử hình cũng khoan thi hành để các quan tòa bớt đau đầu nhức óc, để các luật sư bớt chộn rộn lo toan, để tử tội được hưởng thêm một ngày sống sót.
9) Ngày mà chúng ta bảo nhau đi thăm viếng các trại giam, an ủi các phạm nhân bởi xét cho cùng họ đều là những người đáng thương, là nạn nhân của nguồn tam độc Tham-Sân-Si giống như Vua Lý Thánh Tông ngồi xử án ở Điện Thiên Khánh năm 1064 đã chỉ vào Động Thiên Công Chúa đang đứng bên cạnh mình và phán với triều thần “Trẫm yêu thương thần dân của trẫm cùng nhiều như yêu thương con gái trẫm. Họ phạm tội vì họ không biết (luật) và trẫm có nhiều tình thương cho họ. Từ nay trở đi, trẫm muốn tất cả các tội phạm, nặng hay nhẹ, đều phải được xét xử với sự khoan hồng.” Làm được như thế thì chúng ta đã thể hiện đúng lời nguyện của Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát và làm sống lại thời đại huy hòang Đinh - Lê -Lý - Trần.
10) Ngày mà chúng ta bảo nhau đi thăm các cô nhi viện, cho các em ăn, cho các em tắm, cho các em đồ chơi, an ủi người già trong các viện dưỡng lão, tặng những đóa hoa cho những người côi cút. Sự thăm viếng, ủi an…dù chỉ là trong đôi phút nhưng quý gía vô vàn bởi vì chúng ta không quên nhau.
11) Ngày mà mọi người khi ra đường chào nhau bằng tiếng “A Di Đà Phật” hoặc “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”. Thái Tử Tất Đạt Đa là Phật đã thành, tất cả chúng ta đều là Phật sẽ thành.
12) Ngày mà tâm ý mọi người thật nhẹ nhàng, bao dung, cử chỉ khoan thai. Không vội vàng. Không hấp tấp. Không nóng giận. Ngày mà mọi tranh chấp đều có thể bỏ qua, vui mà xả bỏ do đó mà cảnh sát, an ninh, tòa án, chính quyền cũng bớt đau đầu, căng thẳng. Ngày không có lời đay nghiến, nguyền rủa, kết tội, nhục mạ, đánh đập, tra tấn. Một ngày thật thanh tịnh, an lành. Làm được như thế là chúng ta đã “đồng cư Tịnh Độ” với các bậc hiền thánh.
13) Ngày mà khắp nơi treo đèn kết hoa, người người bảo nhau thăm viếng chùa chiền, cúng dường chư tăng ni. Còn đối với chư tăng ni, đây là dịp để quán xét lại mình, xem mình có xứng đáng là bậc “Ứng Cúng”, theo đúng lời dạy của Thế Tôn? Có xứng đáng là đấng “trưởng tử của Như Lai” không?
14) Ngày mà quê hương đất nước không có một tiếng khóc, không tiếng oán than. Ngày tặng quà, thực phẩm, thuốc men, tài vật cho người nghèo khó. Ngày mà không một ai bị bỏ rơi. Mọi người đều được quan tâm, được an ủi, được giúp đỡ.
15) Ngày mà chúng ta gửi những tấm thiệp chúc lành tới bằng hữu, thầy cô, gọi là Thiệp Phật Đản. Ở xa nếu không thể về thăm, thì cũng gọi điện thọai, gửi điện thư chúc mừng cha mẹ, anh chị em được tăng tuổi thọ và “thân tâm thường an lạc”.
16) Nhưng dù sao, tất cả những gì nói ở trên vẫn thuộc “hình, danh, sắc, tướng”. Chúng ta phải làm sao để tất cả cùng được hưởng những giây phút bình an “thân tâm vắng lặng” và đó cũng chính là chỗ an trú của Chư Phật và Chư Bồ Tát. Thiết nghĩ, sau khi đã làm tất cả những gì nói ở trên, chúng ta nên tổ chức một cuộc tọa thiền vĩ đại tại một trung tâm, một quảng trường, một đạo tràng giống như Đạo Tràng Dhammakaya Cetiya ở Thái Lan với sức chứa khoảng 1 triệu người. Trong cuộc tọa thiền vĩ đại này, sau lễ cầu cho Quốc Thái Dân An, dưới sự hướng dẫn của chư tăng, ni tất cả sẽ ngồi trong tư thế kiết già, lắng đọng tâm tư, nhập chánh định. Tôi nghĩ rằng trong giờ phút linh thiêng, màu nhiệm này đây, các vầng mây ấm áp, vầng mây kiết tường, các vầng mây hỉ xả, các vầng mây giải thóat sẽ theo gió mà bay tới, chư Thiên, Trời Đế Thích, Thiên Long Bát Bộ sẽ trải hoa tán tán ở trên không và “Chư Phật Hải Hội Tất Dao Văn”. Chỗ chúng ta đang ngồi là Đất Phật, là Quốc Độ là Tịnh Độ, là Tòa Sen tỏa ngát hương thơm, còn gì hoan hỉ cho bằng?
Trải qua 2000 năm, con người đã quỳ lạy, van vái, cầu nguyện thần linh nhưng thế giới ngày hôm nay quá nhiều hận thù (hatred), quá nhiều bạo lực (violence), quá nhiều căng thẳng (stress), quá nhiều thúc ép (pressure), quá nhiều thuốc ngủ, thuốc an thần và dĩ nhiên quá nhiều đau khổ. Đã đến lúc chúng ta phải “tự thắp đuốc lên mà đi” như lời Phật dạy. Bằng nỗ lực và trí tuệ con người đã khám phá ra trái đất quay chung quanh mặt trời. Bằng bằng nghiên cứu con người đã có thể bay trên trời bằng chiếc máy bay, thám hiểm và bước ra ngòai không gian bằng chiếc phi thuyền. Bằng khoa học, con người đã có thể đi dưới nước bằng chiếc tàu ngầm, có thể chế ra thuốc men để chữa bệnh. Vậy thì cũng bằng nỗ lực và trí tuệ con người có thể tự kiến tạo hạnh phúc cho chính mình.
Với tinh thần Bi-Trí-Dũng con người có thể hoàn thiện cuộc sống này và từ từ biến nó thành “niết bàn tại thế” mà không cần phải tìm kiếm Thiên Đường ảo vọng ở bất cứ nơi nào khác. Ngày Phật Đản là một thuận duyên tốt lành nhất để làm điều đó và chúng ta có thể làm được.
Trong tinh thần Bi-Trí-Dũng, thì Dũng là điều quan trọng nhất. Dũng ở đây không có nghĩa là dũng cảm tiến lên tiêu diệt quân thù, hoặc tiến lên để giành chiến thắng. Mà Dũng có nghĩa là dũng cảm làm điều thiện, dũng cảm chiến đấu với những điều bất thiện, dũng cảm đương đầu với những cám dỗ không chính đáng, dũng cảm chiến đấu chống lại sự kiêu căng, ngã mạn trong con người mình. Cuộc chiến đấu này rất cam go mà nếu không chiến thắng được thì Bạo Lực, Tham Tàn, Kiêu Căng, Cuồng Điên, Vô Minh sẽ lên ngôi thống trị. Lúc đó con người sẽ trở thành một sức mạnh để hủy diệt chính nó và hủy diệt đồng lọai. Ý nghĩa của Đại Hùng, Đại Lực của nhà Phật là như thế đó.
Nói về hạnh phúc và an vui chung, chúng ta đừng tưởng rằng chúng ta có thể sống thản nhiên trước sự nghèo đói, khổ đau và ngu dốt của người khác. Chúng ta đang sống trên hành tinh này, ẩn dụ như tất cả cùng ngồi trên một con tàu. Giả sử trên con tàu có một ngàn người mà chỉ có khoảng 100 người được ăn uống no đủ, trang phục đẹp đẽ và học hành tới nơi tới chốn. Chín trăm con người còn lại đều là những người thiếu ăn, thiếu mặc, không được học hành chi cả …thì số phận con tàu sẽ như thế nào? Ý niệm cộng nghiệp của nhà Phật cho thấy chúng ta không những chỉ chết vì nghiệp dữ của mình gây tạo trong quá khứ mà còn chết vì cộng nghiệp. Cứ nhìn vào lịch sử lòai người khoảng một thế kỷ nay thôi chúng ta thấy sự Nghèo Đói và Ngu Dốt là vũ khí hủy diệt còn ghê gớm hơn bom nguyên tử.
Ngay tại Hoa Kỳ là quốc gia giàu mạnh nhất thế giới, có những khu gần như bỏ hoang, ít ai dám cư ngụ chỉ vì dân ở đây nghèo quá và không được học hành. Cho nên để thế giới này yên vui và cũng là để bảo vệ hạnh phúc của chính mình, chúng ta phải quan tâm đến người khác. Sau khi đã phấn đấu với đời để ngoi lên, chúng ta cần san sẻ bớt thực phẩm, quần áo cho người nghèo khó. Hãy cho họ ăn no như chúng ta được ăn no. Hãy cho những người kém may mắn được học hành, mở mang trí tuệ như chúng ta đã được học hành, mở mang trí tuệ. Chúng ta đã có tình thương rồi thì san sẻ một chút tình thương cho đồng lọai.
Chư vị Bồ Tát là những vị đã vượt qua nỗi bất hạnh của chúng sinh, quay trở lại nhìn chúng sinh, xót thương mà phát nguyện cứu độ. Chúng ta thờ phượng chư vị Bồ Tát là thờ phượng cái hạnh nguyện “cứu đời, cứu khổ” của các ngài, và chúng ta sẽ trở thành Bồ Tát khi chúng ta làm đúng những gì chư vị Bồ Tát đã làm. Tinh hoa của Đạo Phật, sự linh thiêng, thánh thiện, sự trường tồn trong gian khổ của Đạo Phật là ở chỗ đó. Làm như thế là chúng ta sẽ thể hiện đúng tinh thần của Ngài Phổ Hiển Bồ Tát trong Pháp Hội Hoa Nghiêm “Hằng thuận lợi ích của chúng sinh là cúng dường chư Phật”.
Ngày Phật Đản là một thuận duyên lớn lao để thể hiện hạnh nguyện này. Xin trình bày với tất cả tấm lòng để những bậc thiện tri thức cùng chia sẻ.
Đào Văn Bình
Viết nhân Mùa Phật đản PL.2554 - DL.2010
Chú thích: Bài đã đăng trên các trang Phật giáo trên mạng Internet, nhân mùa Phật đản PL.2558 được tổ chức tại Việt Nam, phatgiao.org.vn đăng lại bài do tác giả gửi đến.
Theo Phật giáo Việt Nam

Bình luận(0)