Người ta gọi đó là "vợ chồng duối", từng được vua triều Lý sắc phong là "thần mộc hộ quốc". Xoay quanh "vợ chồng duối" là những câu chuyện kỳ thú khó lý giải. Có lẽ vì thế, hai cây duối nghìn năm ấy không chỉ là biểu tượng tâm linh mà còn là tượng đài tình yêu, bên nhau mãi không thể chia cắt.
"Thần mộc hộ quốc"
Ai qua chùa Viên Đình đều dễ dàng nhận ra hai cây duối cổ thụ nằm cách nhau khoảng vài ba thước án ngữ ngay phía trái tam quan. Đó là hai cây duối duy nhất ở nước ta được vua triều Lý sắc phong là "thần mộc hộ quốc". Những câu chuyện cổ xưa liên quan đến việc vua ban sắc phong cho cây thì nhiều. Nhưng đa số lại là những dị bản.
Chuyện rằng, xưa kia có đôi vợ chồng trẻ rất yêu thương nhau. Khi giặc giã đến, người chồng phải rời bỏ vợ con mà ra chiến trường. Thời buổi loạn lạc, người vợ vò võ ngồi đợi chồng ngày này qua tháng nọ. Cứ thế, không biết bao đêm nàng khóc đến kiệt sức rồi chết. Ở chỗ ấy mọc lên một cây duối, mà thi thoảng người ta vẫn nghe thấy tiếng khóc nỉ non.
Giặc tan, người chinh phu về làng. Chàng đau xót trước cái chết của vợ và cảm động về tình yêu mà nàng đã dành cho mình qua bao đêm chờ đợi. Suốt những năm tháng còn lại, chàng chỉ ôm gốc cây duối mà khóc nức nở. Rồi chàng chết bên cạnh cây duối. Từ mộ của chàng, một cây duối nữa mọc lên xanh tốt.
Đôi "duối vợ chồng" ngày đêm reo hát bên nhau. Họ phù hộ cho trai làng ra trận thắng lợi vẻ vang. Biết chuyện thiêng, vua Lý đã ban sắc phong cho đôi duối này là "thần mộc hộ quốc". Từ đó đến nay, người dân coi hai cây duối cổ thụ là biểu tượng tâm linh. Trai gái nhìn vào đó để học về lòng chung thủy.
|
Cặp"vợ chồng duối" được vua Lý ban sắc phong là "thần mộc hộ quốc". |
Thầy Thích Chơn Phương, trụ trì chùa Viên Đình cho hay: "Nhiều năm ròng đôi duối cổ bị lãng quên trong bãi cỏ hoang dại. Có lần, người ta đã huy động trâu bò để kéo nhưng cây không đổ".
Thầy Phương kể câu chuyện có một trai làng trèo lên cây duối bắt chim. Người ấy lên được nhưng không tài nào xuống được. Đứng ở trên cây hò hét người qua đường cứu giúp nhưng tịnh không một ai nghe thấy. Đến khi gia đình làm lễ cúng bái "thần cây" thì chàng trai ấy mới nhận ra đường xuống.
Kỳ lạ hơn, ở thân cây duối vợ mọc ra những núm nhỏ như bầu sữa người mẹ. Cây duối chồng khẳng khiu và mảnh khảnh hơn rất nhiều. Dù sống gần nhau nhưng màu lá của hai cây duối này lại khác nhau. Cây duối vợ có lá màu hơi vàng, cây duối chồng thì lá xanh thẫm. Thầy Phương bảo: "Chuyện này đã có từ xưa rồi. Người thì giải thích do thổ nhưỡng, người lại bảo do khí hậu mà hai màu lá khác nhau".
|
Tam quan chùa Viên Đình. |
Trên mảnh "đất rồng"
Thầy Thích Chơn Phương cho biết, ngôi chùa Viên Đình được vua triều Lý cho xây dựng nhằm phát triển Phật giáo trong vùng. Khi vua cho thầy địa lý đi tìm huyệt xây chùa, thầy địa lý đến chỗ hai cây duối cổ thụ và phát hiện phía sau chính là mảnh đất thích hợp.
Theo thầy Phương, đó là mảnh đất có hình lưỡng long chầu nguyệt. Hiện nay, mảnh đất này vẫn rõ hình đôi rồng chầu mặt trăng. Hai giếng cổ ở hai bên chùa là đôi mắt của rồng. Chùa xây trọn vẹn ở phần đầu của rồng, quay mặt về hướng Nam.
Người dân quanh chùa Viên Đình cho biết, đây là ngôi chùa cổ rất thiêng nên cũng kén người lắm. Nhiều sư thầy về chùa làm trụ trì nhưng gần như không có ai ở được lâu. Nguyên nhân sâu xa thế nào thì không rõ, nhưng chỉ bảy ba hai mốt ngày là sư thầy phải chuyển đi nơi khác.
Thầy Phương gật đầu công nhận điều ấy. Nguyên nhân vì sao thầy cũng không giải thích được. Nhưng có lẽ, chuyện liên quan đến pho tượng Phật cổ bằng đồng đen đầy bí ẩn mà hàng năm, nhà chùa chỉ hé lộ một lần vào đúng 12 giờ đêm ngày 12/10 âm lịch để người dân chiêm ngắm.
|
Thầy Phương cho biết, lá duối chồng là màu xanh, duối vợ màu vàng. |
Linh vật vô giá
Tương truyền, pho tượng cổ bằng đồng được đúc từ khi có ngôi chùa này. Cùng với tượng cổ, hiện nay chùa Viên Đình còn giữ được đài chuông và chiếc chuông cổ bằng đồng. Trên chiếc chuông ấy là những dòng chữ nho thẳng hàng mà vua đã cho khắc khi làm chuông.
Chuông đồng khá lớn và cho đến nay vẫn được bảo quản cẩn thận trên đài chuông cổ. Theo thầy Phương, đó có lẽ là đài chuông cổ duy nhất ở Việt Nam còn sót lại. Những cột gỗ lim chắc nịch không hề mối mọt đỡ lấy quả chuông đồng cả nghìn năm nay ở mảnh đất "đầu rồng" này.
Thầy Phương tổng kết: "Vậy là chỉ mới tính sơ sơ cũng đã thấy được 3 linh vật của chùa Viên Đình. Thứ nhất là đôi "duối vợ chồng", thứ hai là chuông cổ và đài chuông, thứ ba là pho tượng đồng đen quý giá. Nhưng còn một linh vật nổi tiếng nữa mà rất ít người biết".
Linh vật thiêng mà thầy Thích Chơn Phương nói đến chính là xá lợi Phật. Đây không chỉ là nơi tụ nhiều xá lợi nhất Việt Nam mà còn là nơi duy nhất của nước ta có một viên ngọc xá lợi của chính đức Thích Ca Mâu Ni. Đây là món quà quý được thỉnh về từ đất nước Nepal, đó cũng là 1 trong hơn 8.400 báu thân của đức Thích Ca Mâu Ni khi ngài nhập diệt.
Thầy Phương dẫn chúng tôi ra vườn bảo tháp phía khuôn viên ngôi chùa. Hơn 30 bảo tháp chứa rất nhiều xá lợi to nhỏ khác nhau. Mỗi bảo tháp chứa hàng trăm viên xá lợi, từ xá lợi máu đến xá lợi xương của các vị cao tăng phật pháp từ 8 nước tặng riêng cho nhà chùa.
Thầy Thích Chơn Phương cho biết: "Đây là những viên ngọc kết tinh kỳ lạ sau khi các vị cao tăng làm lễ hỏa thiêu. Những viên ngọc hiện lên trong tàn tro và được gọi là xá lợi. Có rất nhiều hình thù, kích thước và số lượng thì tùy theo mức độ, công năng tu tập thiền quán của người tu hành".
"Cùng với chùa Viên Đình cổ kính thì hai cây duối cổ thụ cũng là biểu tượng tâm linh của người dân địa phương. Những câu chuyện ma quái liên quan đến hai cây duối này theo tôi là không có thật mà chỉ là những tin đồn không có căn cứ".
Ông Phùng Ngọc Sơn (Trưởng ban Ban Văn hóa xã Đông Lỗ)