Việc tu bổ và làm cho di tích hoành tráng hơn luôn là mong muốn của nhiều địa phương. Tuy nhiên, cụm từ “xã hội hóa” trong công tác tu bổ hay bị lạm dụng khiến cho nhiều di tích ở ta bị biến dạng.
Với tình hình như thế, Thái Bình có những cách làm riêng, nhờ đó, chúng ta còn có một chùa Keo – một công trình kiến trúc bằng gỗ với phong cách tiêu biểu của thời Lê Trung Hưng (TK17) và là di sản đặc biệt của quốc gia.
Một ngôi đền nghệ thuật
Khác với nhiều chùa khác trên cả nước, chùa Keo, tên chữ là Thần Quang Tự, bao gồm hai cụm kiến trúc: Chùa là nơi thờ Phật và đền thánh thờ đức Dương Không Lộ - Vị đại sư thời nhà Lý có công dựng chùa. Theo sử sách, chùa được xây từ năm 1060, nhưng đến năm 1611, do sông Hồng sạt lở, chùa bị bão lũ làm đổ. Sau 19 năm chuẩn bị và 28 tháng thi công, năm 1632, chùa Keo được tái tạo, khánh thành trên nền đất ở tả ngạn sông Hồng như ngày nay. Toàn cảnh chùa Keo thời đó gồm 21 công trình, với 157 gian trên diện tích 58.000m2. Nhưng hiện chỉ còn 12 công trình với 124 gian. Diện tích cũng chỉ còn 44.000m2.
|
Gác chuông chùa Keo. |
Điểm đặc biệt của chùa Keo là công trình được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, ghép với nhau bởi hệ thống mộng, kèo vô cùng chính xác. Ông Bùi Văn Thương - Trưởng BQL di tích - cho biết, trải qua gần 400 năm tồn tại, chùa Keo vẫn giữ được hình dáng ban đầu và chỉ có hai lần trùng tu lớn, năm 1941 với sự trợ giúp của Viện Viễn đông Bác cổ và lần gần đây là đợt trùng tu do Nhà nước đầu tư kéo dài 5 năm (1999 – 2004).
Ngoài kiến trúc độc đáo và mang tính nghệ thuật cao như gác chuông - biểu tượng của Thái Bình; hai dãy hành lang và khu tăng xá dài hàng trăm mét với các dãy cột lớn... khiến cho khu chùa có dáng giống như một cung điện, chùa Keo còn có những cổ vật vô giá như hệ thống tượng, án hương, ban thờ, những con sơn được chạm khắc tinh xảo (có từ trước và khi xây chùa) và đặc biệt là có pho tượng làm bằng gỗ trầm hương, từ thời chùa cũ còn giữ được, tính đến nay cũng đã ngót nghét 900 năm.
Không tu bổ bằng mọi giá
Cũng theo ông Bùi Văn Thương, trong cuộc trùng tu năm 1999 - 2004, chùa Keo được Nhà nước hỗ trợ 19 tỉ đồng. Số tiền này cùng với công đức thập phương cũng chỉ đủ để sửa chữa khu vực trong chùa và nội thất. Các hạng mục như bãi đỗ xe, quầy hàng lưu niệm, nhà vệ sinh... thì không đủ tiền để làm. Vì thế, năm 2009, một doanh nhân có tâm đức đã bày tỏ ý được đầu tư các công trình còn bỏ ngỏ đó. Được sự đồng ý của nhà chùa, ông đã đưa công nhân, máy móc về làm, nhưng ngay sau đó bị Sở VHTTDL “tuýt còi” vì nghe đâu, doanh nhân này có ý sửa một vài điểm thiết kế đã được duyệt. Thế là hàng tỉ đồng đã đầu tư đành bỏ phí...
Tỉnh Thái Bình giao cho một công ty chỉnh sửa lại thiết kế để làm sao vừa tận dụng được nguồn lực xã hội hóa quý giá đó, vừa không vi phạm đến Luật Di sản. Nhưng rất tiếc, khi thiết kế được duyệt lần cuối thì tình hình kinh tế trong nước rơi sâu vào cuộc khủng hoảng, do vậy doanh nghiệp kia cũng không có điều kiện để hỗ trợ nữa.
Hiện nay, chùa Keo có khoảng trên 2 tỉ đồng công đức thập phương/năm. Các khoản thu, chi này luôn được công khai minh bạch, do vậy, mỗi năm một ít, chùa Keo đang dần hoàn thiện các công trình phụ trợ đó bằng nguồn xã hội hóa mà không làm cho di tích bị biến dạng bởi những hệ lụy của đồng tiền. “Khu bán hàng lưu niệm đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Năm nay chúng tôi sẽ hoàn thiện khu vệ sinh chung, sau đó là bãi đỗ xe, sân vườn bên trong” – ông Thương cho biết.
Cách chùa Keo khoảng 20km về phía đông bắc, Thái Bình còn có một di sản cấp quốc gia nữa được bảo tồn khá tốt nhờ công của sư Đàm Huệ, dân địa phương gọi bà là thầy chùa Huệ, đó là cụm đình, chùa, miếu Bình Cách – nơi thờ Linh Lang Đại vương và Chiêu Dung Công chúa. Đây là cụm di tích có kiến trúc tiêu biểu của thời Nguyễn với 4 hàng cột lim ở đình có đường kính tới trên nửa mét. Di tích này nổi tiếng linh thiêng ở địa phương, nhưng không thuận đường nên rất ít khách đến vãn cảnh, phát tâm. Tuy nhiên, doanh nghiệp Hương Sen mấy năm nay vẫn thường xuyên trợ giúp, nhưng không vì thế mà thầy chùa “đánh liều” sửa chữa như ở chùa Trăm Gian.
Mãi đến năm ngoái, cụm di tích này được Bộ VHTTDL đầu tư trùng tu với kinh phí 21 tỉ đồng. Số tiền đầu tư trên không lớn so với cả cụm di tích này, tuy nhiên nó vẫn được làm rất bài bản. Hiện Cty TASCO Thành Nam đã thi công xong di tích đình và đang tiến hành hạ giải miếu theo sự giám sát chặt chẽ của bên thiết kế cũng như Sở VHTTDL. Đại diện TASCO cho biết, điều khó nhất trong thi công đối với các công trình này là việc lựa chọn gỗ: “Chúng tôi phải đi khắp nơi để tìm kiếm những cây lim to đúng như những cây lim ở đình để thay thế những cột bị hỏng”.
Từ kinh nghiệm trong quá khứ của chùa Keo cũng như cụm di tích Bình Cách hiện nay, rõ ràng đã đến lúc cần có cách ứng xử thận trọng với di tích.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU: