Phật tử Trầm Bê với dấu ấn xây chùa Phật nằm

Google News

Ở quê nhà Trà Vinh, ông Trầm Bê, có pháp danh Tắc Hậu với dấu ấn lớn bằng việc xây chùa Vàm Ray và các hoạt động từ thiện

Ở quê nhà Trà Vinh, ông Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank có pháp danh Tắc Hậu với dấu ấn lớn bằng việc xây chùa Vàm Ray và các hoạt động từ thiện.

Cách cửa biển Định An khoảng 7 km về hướng Trà Vinh, xã Hàm Tân của huyện Trà Cú (Trà Vinh) mới được tách ra từ xã Hàm Giang cũ.

Tên và pháp danh của vợ chồng Trầm Bê tạc lên tường ngay lối vào chánh điện chùa Vàm Ray

 

Đây là vùng đất thuần nông, nghèo khó nhưng có chi nhánh của Ngân hàng Phương Nam, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phương Nam, ngôi chùa lớn Vàm Ray (chùa Phật nằm), một dinh thự hoành tráng với vườn tùng bao quanh...

Chùa Vàm Ray khánh thành chánh điện năm 2008 do gia đình ông Trầm Bê (pháp danh Tắc Hậu) phát tâm tiến cúng, được ghi nhận bằng bảng công đức đặt ngay đường lên chánh điện. Nơi đây còn ghi tên vợ ông với pháp danh Tắc Lượng.

Tại một lối khác cũng dẫn lên chánh điện chùa Vàm Ray là bức ảnh lớn của 5 người nhà ông Bê, bên hông khắc tên 3 người con. Những người quá cố trong gia đình cũng được tạc di ảnh lên tường của chùa Vàm Ray.

Trao đổi với phóng viên, ông Liên Phước Thiện, Chủ tịch UBND xã Hàm Tân cho biết ông Bê tuy sống ở TPHCM nhưng rất quan tâm đến địa phương mà cụ thể là hỗ trợ vốn xây dựng chánh điện chùa Vàm Ray, ngoài ra, ông còn hỗ trợ nhiều gia đình khó khăn.

Ảnh cả nhà Trầm Bê tại chánh điện chùa Vàm Ray.

 

Cạnh chùa Vàm Ray là khu đất rộng khoảng 1 ha trồng tùng có đánh mã số. Đây là đất gốc của cha mẹ Trầm Bê và người phụ nữ lớn tuổi nhất ở đây được hàng xóm gọi là cụ Lệ. Hằng ngày bà cụ ngoài 70 tuổi vẫn đi chùa thắp nhang, dâng cơm cúng Phật. Bà cho biết là chị họ với ông Bê.

“Mấy đứa em của tôi ít khi về, các con đi làm thuê hết rồi. Chồng tôi gần 80 tuổi nhưng phải ra đồng mỗi ngày vì không mướn được người làm công ngoài ruộng. Cây cảnh trong vườn do Trầm Bê mang về trồng, giá trị bao nhiêu tôi không rõ”, bà cụ cho biết.

Trong khu đất rộng khoảng 30 ha ở ấp Vàm Ray có mộ cha mẹ ông Bê nên người dân địa phương quen gọi là “nhà mồ”. Tại đây, ngoài tòa nhà 5 tháp nóc hoành tráng nhất Trà Vinh vườn tùng giá trị bao quanh.

Hình ảnh về chùa Vàm Ray. Ảnh: Internet

 

Cụ Trầm Phong (80 tuổi) ở ấp Vàm Ray cho biết gia đình bố mẹ ông Trầm Bê vốn không nhiều ruộng đất nhưng chí thú làm ăn nên cuộc sống sung túc. Năm 2009 mẹ ông Trầm Bê qua đời, sau đó một năm thì cha ông mất. Thời điểm này ông Bê bắt đầu xây dựng khu dinh thự, đóng góp tiền của về quê làm ăn, chăm lo cho đồng bào nghèo.

Về sự việc gia đình ông Trầm Bê mới đây báo mất trộm sừng tê giác, người đứng đầu xã Hàm Tân, Liên Phước Thiện, cho biết, việc người thân của ông Bê báo mất sừng tê giác đã được công an xã chuyển lên Công an huyện Trà Cú.

Thượng tá Nguyễn Văn Thuyền, Trưởng Công an huyện Trà Cú, cũng nói rằng vụ mất trộm sừng tê giác tại nhà ông Trầm Bê đang được điều tra nhưng chưa có kết quả.

Ông Thạch Khưa (65 tuổi) nhà ngang cổng chính dinh thự Trầm Bê cho biết nhiều năm nay địa phương này không nghe chuyện trộm cướp dù nhiều nhà ngủ không khóa cửa.

"Nhà ông Bê có bảo vệ canh gác ngày đêm thì ai dám vào trộm. Người dân quê quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, có biết con tê giác là gì đâu”, ông Khưa bộc bạch.

Ông Nguyễn Tấn Sự, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hàm Giang (công ty do ông Bê làm Chủ tịch HĐQT), hiện không cho bất kỳ ai vào dinh thự Trầm Bê với lý do “Công an huyện cấm, đang điều tra sợ mất dấu vết hiện trường”.

Theo Duy Khang
Ngôi sao

[links()]

Bình luận(0)